Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sơ kết công tác phòng, chống khai thác IUU

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU).

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng nhiều kế hoạch triển khai thực hiện toàn diện công tác phòng chống khai thác IUU với nhiều hình thức, tổ chức lực lượng, phương tiện, biên đội tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá Việt Nam trên các vùng biển, đặc biệt là các vùng biển giáp ranh. Các cơ quan, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan nhanh chóng xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ xử lý.

Bộ Tư lệnh CSB đã chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác tuyên truyền chống khai thác IUU gắn với thực hiện Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” và công tác dân vận “CSB với đồng bào dân tộc, tôn giáo”.

Lực lượng CSB đã sử dụng 400 lượt, chiếc tàu xuồng hoạt động thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra duy trì thực thi pháp luật, chống xuất nhập cảnh kết hợp với tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện ngăn chặn tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị điều tra, xác minh 49 vụ với 86 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước bị xua đuổi, bắt giữ đưa về bờ xử lý; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 142 tàu với 197 đối tượng với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng về các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy hải sản; bàn giao chính quyền địa phương 20 tàu với 21 đối tượng về hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tắt thiết bị giám sát hành trình; chuyển hồ sơ cơ quan điều tra hình sự 1 tàu với 8 đối tượng…

Theo Đại tá Trần Quang Tuấn, Phó Tham mưu trưởng, Phó ban Chỉ đạo về IUU Bộ Tư lệnh CSB, trong thời gian qua, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ xử lý có giảm nhưng chưa vững chắc. Đáng lưu ý, xuất hiện hành vi, thủ đoạn mới của ngư dân: Bỏ chạy, chống người thi hành công vụ, vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình tàu cá; đặc biệt là xuất hiện tình trạng sai lệch vị trí tàu cá. Một bộ phận ngư dân vì lợi ích kinh tế vẫn cố tình dùng nhiều thủ đoạn để trốn tránh lực lượng chức năng, vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSB.

Hệ thống pháp lý còn nhiều bất cập khiến công tác xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm gặp khó khăn. Vùng biển quản lý rộng, lực lượng tuần tra, kiểm soát dàn trải, khi có vụ việc xử lý phải dẫn giải tàu cá vi phạm về đất liền quảng đường xa gây khó khăn cho lực lượng trên thực địa trong việc quản lý, kiểm soát…

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai kế hoạch của Bộ Tư lệnh CSB về ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá đi khai thác trái phép hải sản ở vùng biển nước ngoài, lực lượng tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam về khai thác thủy sản; nắm chắc tình hình tàu cá vi phạm IUU và triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo sau điều tra cơ bản trên các địa bàn trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương tuyên truyền về công tác phòng, chống khai thác IUU; làm tốt công tác hợp tác hợp tác quốc tế theo kế hoạch phòng, chống khai thác IUU, kịp thời liên hệ phối hợp trong việc giải quyết, xử lý các vụ việc tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.

PV
Cảnh sát biển Việt Nam trao tặng 300 suất quà cho bà con ngư dân huyện Cần Giờ
Cảnh sát biển Việt Nam trao tặng 300 suất quà cho bà con ngư dân huyện Cần Giờ

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cùng nhà hảo tâm đã trao tặng 300 suất quà cho bà con ngư dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN