Cùng với cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn thiện giai đoạn 1 và sự ra đời quy chế này, Cảng quốc tế Cam Ranh đã hội đủ điều kiện để trở thành địa điểm “nghỉ chân” lý tưởng, sử dụng các dịch vụ hậu cần đối với tàu thuyền trong nước và quốc tế, cả dân sự và quân sự, khi lưu thông trên tuyến hàng hải qua Biển Đông.
Bến đỗ bình yênCảng quốc tế Cam Ranh có vị trí chiến lược bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông, là vị trí tiếp cận gần nhất các tuyến hàng hải quốc tế. Với vị trí kín sóng, kín gió, vùng nước rộng, độ sâu ổn định trên 20m nước, khu vực ít chịu ảnh hưởng của giông bão, địa chất tốt… nơi đây phù hợp cho việc xây dựng các cầu cảng tiếp nhận các tàu quân sự, dân sự cỡ lớn.
Tàu Tonnerre của Hải quân Pháp cập Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN |
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, một liên doanh hình thành từ Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam, cùng góp nguồn vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng để thực hiện dự án Cảng quốc tế Cam Ranh. Mục tiêu của cảng này là trở thành điểm đón tiếp các loại tàu quân sự, tàu khách quốc tế có nhu cầu sử dụng các dịch vụ hàng hải; là điểm gặp gỡ, giao lưu, tăng cường quan hệ giữa Hải quân Việt Nam với các lực lượng hải quân quốc tế, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực, đóng góp cho mục tiêu xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.
Ngày 8/3/2016, Cảng quốc tế Cam Ranh chính thức khai trương sau thời gian hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng của giai đoạn 1. Tham dự buổi lễ, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: Việc xây dựng Cảng quốc tế Cam Ranh là để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.
Từ thời điểm đó, Cảng quốc tế Cam Ranh trở thành một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu trên 2.140m, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm. Là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8. Cảng được chia làm 2 nhóm công trình dưới và trên bờ. Trong đó, nhóm công trình thủy công gồm hệ thống các cầu cảng được bố trí theo phương án bến nhô, cập tàu hai phía để tăng cường năng lực đón tiếp tàu. Nhóm công trình trên bờ gồm khu nhà văn phòng điều hành và đón tiếp khách, cùng hệ thống các công trình dịch vụ hậu cần kỹ thuật, như: tổng kho phân phối hàng hóa; đường giao thông nội bộ; bãi tập kết hàng hóa; khu luyện tập và thi đấu thể thao... Trong tương lai, cảng này còn xây dựng Khu triển lãm hàng hải quốc tế.
Trong giai đoạn này, Cảng quốc tế Cam Ranh tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu, bao gồm cung ứng dịch vụ hàng hải cho tàu quân sự, tàu du lịch; sửa chữa đầu bến cho các loại tàu và cung cấp dịch vụ du lịch cho thủy thủ đoàn, du khách.
Hội nhập quốc tếĐại tá Uông Xuân Phúc Sơn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân cảng Petro Cam Ranh, cho biết: từ khi đi vào hoạt động đến nay, cảng đã tổ chức đón 9 tàu quân sự của các nước: Singapore, Nhật, Pháp, Nga, Ấn Độ cập cảng thăm hữu nghị Việt Nam, hoặc sử dụng các dịch vụ hàng hải của cảng. Cảng Quốc tế Cam Ranh đã cung cấp cho tàu bạn các dịch vụ như: hoa tiêu, cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt; lên bờ tham quan du lịch cho thủy thủ đoàn, dịch vụ thể dục thể thao, ăn uống, giải trí... với tổng doanh thu đạt 2,9 tỷ đồng. Trong tháng 9 tới đây, Cảng quốc tế Cam Ranh sẽ đón tiếp tàu du lịch quốc tế Legend Of The Seas với hơn 2.000 du khách và thủy thủ đoàn, trong hành trình ghé thăm vịnh Cam Ranh, cũng như các địa điểm du lịch khác của tỉnh Khánh Hòa.
Cuối tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 25/2016/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh. Quy chế này quy định về cơ chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh, bao gồm: phạm vi giới hạn của Cảng quốc tế Cam Ranh; quản lý các hoạt động cung cấp dịch vụ; quản lý người và các loại phương tiện của Việt Nam, của nước ngoài vào, rời, hoạt động trong khu vực Cảng quốc tế Cam Ranh. Quy chế cũng quy định cụ thể thời gian cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến cảng để bảo dưỡng, sửa chữa và sử dụng các dịch vụ hàng hải tại đây.
Việc mở cửa cho tàu thuyền trong nước, nước ngoài kể cả dân sự và quân sự vào Cảng quốc tế Cam Ranh sử dụng các dịch vụ hàng hải tại cảng, cho thấy chủ trương của Việt Nam trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tàu thuyền các nước đến Cảng quốc tế Cam Ranh trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và pháp luật của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong phát triển hệ thống cảng biển để hội nhập cùng quốc tế, quyết tâm xây dựng khu vực vịnh Cam Ranh vững chắc về quốc phòng, mạnh lên về kinh tế.