Cảnh sát biển đấu tranh có hiệu quả công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển

Ngày 9/3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổng kết đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trao thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo Đại tá Lương Đình Hưng, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và và pháp luật (BTL Cảnh sát biển), dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mặc dù dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp; các hoạt động kinh tế nói chung, giao thương trên biển nói riêng từng bước hồi phục; tình hình vi phạm, tội phạm; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển và địa bàn liên quan vẫn diễn biến phức tạp.  

Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại được thực hiện có tổ chức, đường dây chặt chẽ; tập trung tại các vùng biển Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam; các mặt hàng chủ yếu là xăng dầu, than, pháo nổ, khoáng sản, hàng gia dụng...  

Thủ đoạn của các đối tượng không có nhiều diễn biến mới song phương thức thực hiện tinh vi, cấu kết chặt chẽ hơn. Đại tá Lương Đình Hưng cho biết, đối với mặt hàng than, một số đối tượng thành lập công ty có chức năng xuất nhập khẩu, kinh doanh than, ký hợp đồng mua bán với nước ngoài nhưng thực tế lại mua than của tàu nước ngoài ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau đó, vận chuyển than vào nội địa, pha trộn với các loại than khác để tiêu thụ. Đối với mặt hàng xăng dầu, phương thức tiến hành giao dịch nhanh gọn, bên mua và bên bán nhận nhau qua ám, tín hiệu, cách thức thanh toán do chủ hai bên quyết định và diễn ra trong đất liền.  

Tội phạm ma tuý tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; các đối tượng hình thành đường dây chặt chẽ, ma túy được vận chuyển từ Lào vào Việt Nam, xuống địa bàn ven biển tiêu thụ hoặc chuyển ra nước ngoài bằng đường biển. Tại các địa bàn ven biển, tình trạng mua bán và sử dụng các loại ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng.  

Lực lượng Cảnh sát biển đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường các tổ, đội trinh sát trên các tuyến, khu vực biển trọng điểm với gần 400 lượt cán bộ trinh sát địa bàn; sử dụng hiệu quả tàu dân sự, cơ sở mật nắm chắc hoạt động của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại trên biển và địa bàn liên quan; chủ trì và phối hợp với lực lượng chức năng xác lập các chuyên án đấu tranh quyết liệt, hiệu quả. Tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực biển trọng điểm, kết hợp giữa lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai với lực lượng trinh sát bí mật trên các tuyến biển. Duy trì từ 20 - 25 chiếc tàu trực thường xuyên và hoạt động tại các khu vực biển trọng điểm, sẵn sàng xử lý các tình huống bằng biện pháp pháp luật.  

Qua công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát, phát hiện 228 lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam (giảm 120 lượt so với cùng kỳ năm 2021). Tàu của các đơn vị đã kịp thời ra thực địa tuyên truyền, đấu tranh và yêu cầu ra khỏi vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách và pháp luật. Đã bắt giữ, xử lý 227 vụ với 300 đối tượng tội phạm, vi phạm trên biển và địa bàn ven biển (so với cùng kỳ năm 2021 giảm 26 vụ với 27 đối tượng). Trong đó, khởi tố 9 vụ với 11 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 149 vụ với 183 đối tượng; phối hợp xử lý, bàn giao 66 vụ với 94 đối tượng, đang xử lý 3 vụ với 12 đối tượng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật xử lý, bàn giao các lực lượng, ước tính hơn 20 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm (từ 1/12/2021 đến 28/2/2022) đã bắt giữ 90 vụ với 156 đối tượng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật xử lý, bàn giao các lực lượng, ước tính hơn 20 tỷ đồng. Quá trình bắt giữ, xử lý đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, phương tiện, trang bị; việc xử lý nhanh chóng, đúng pháp luật.  

Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 9 các tỉnh, thành ven biển; các lực chức năng như Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, chính quyền địa phương trao đổi, tiếp nhận thông tin, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chuyên án, vụ án theo quy định của pháp luật. Chú trọng triển khai công tác phối hợp ngay từ thời điểm xây dựng kế hoạch.

Quá trình phối hợp đấu tranh đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, phương tiện, trang bị. Đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện 34 đợt tuyên truyền phòng, chống ma tuý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho hơn 12.000 lượt người, cấp phát phát hơn 75.000 tờ rơi các loại; gần 10.000 quyển sách, hơn 5000 cờ Tổ quốc...

Nhiều đơn vị đã chủ động, tích cực đổi mới công tác tuyên truyền (BTL Vùng CSB4). Một số hình thức tuyên truyền hiệu quả tiếp tục được phát huy như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, pa nô, áp phích; tuyên truyền qua đài phát thanh, truyền hình, báo mạng, trang tin điện tử...  

Kết luận hội nghị, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định: Quán triệt, triển khai các văn bản của Bộ Quốc phòng (BQP), Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 19 BQP về đợt cao điểm, lực lượng Cảnh sát biển đã chủ động, kịp thời, sát với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chức đấu tranh kiên quyết, hiệu quả.

Quá trình đấu tranh đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, phương tiện, vũ khí và bảo vệ nội bộ; không có khiếu nại, khiếu kiện. Công tác tuyên truyền; khen thưởng kịp thời, hiệu quả.  

Clip: Cảnh sát biển đấu tranh có hiệu quả công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển:

Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Lê Quang Đạo chỉ đạo, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị thu thập thông tin, nắm chắc tình hình mặt biển; nắm, đánh giá, dự báo những tác động từ bên ngoài. Tăng cường công tác thu thập thông tin; làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; từng đơn vị nắm chắc tình hình vi phạm pháp luật trên vùng biển quản lý; quản lý chặt chẽ cá nhân, tổ chức, phương tiện có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; hoạt động của tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; tình hình xuất, nhập cảnh trái phép bằng đường biển, kịp thời tham mưu biện pháp quản lý và tổ chức đấu tranh.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, nhất là các vùng biển trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác trong thực hiện chuyên án, vụ án. Tăng tỷ lệ xác lập chuyên án trinh sát đấu tranh với các ổ nhóm, đường dây do Cảnh sát biển chủ trì; tổ chức đấu tranh chặt chẽ, bài bản. Tổ chức có hiệu quả tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy và kiểm soát tiền chất…

Tin, ảnh, clip: Viết Tôn/Báo Tin tức
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao thăm và làm việc với Vùng Cảnh sát biển 4
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao thăm và làm việc với Vùng Cảnh sát biển 4

Ngày 5/3, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN