Đây là nội dung được nhiều nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về du lịch và du lịch biển do Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với Trường Đại học quốc gia Khoa học và Công nghệ Penghu, Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức ngày 1/8.
Bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Hội thảo thu hút sự tham dự hơn 40 nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên và đông đảo sinh viên chuyên ngành du lịch các trường đại học đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Áo, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
Các nhà nghiên cứu tập trung đề cập đến bài học về phát triển mô hình du lịch biển và trải nghiệm của du khách; chia sẻ hoạt động giáo dục và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu cũng phân tích về tác động của việc phát triển du lịch đến kinh tế-xã hội và cuộc sống của cư dân địa phương cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững.
Một góc khu giải trí, thể thao biển Hòn Tằm, Nha Trang. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN |
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Trọng Đạo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ: Việt Nam có thế mạnh về phát triển du lịch biển nhưng chúng ta chưa khai thác thật sự hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Một trong những nguyên nhân là sự thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp về nguồn nhân lực, khiến việc phát triển còn manh mún, tự phát. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch biển tại Việt Nam chưa đa dạng để tạo được sức cạnh tranh cao.
Trình bày về kinh nghiệm phát triển và bảo tồn du lịch biển, đảo tại địa phương, ông Chun - Chieh Hu, Trưởng khoa Du lịch giải trí trên biển của Trường Đại học quốc gia Khoa học và Công nghệ Penghu cho biết: Việc khai thác thắng cảnh thiên nhiên trên biển, đảo đều dựa trên các nghiên cứu khoa học chặt chẽ và nghiêm túc về tác động của kỹ thuật công nghệ đến môi trường thiên nhiên và các vấn đề liên quan đến dân sinh.
Từ những nghiên cứu này, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp với thực tiễn, vừa thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, đồng thời bảo tồn cảnh quan thiên nhiên một cách bền vững.
Một số đại biểu cũng nêu ý kiến về việc tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý cấp cao du lịch biển, đảo để phát triển dịch vụ giải trí trên biển. Đây được xem là một trong những yếu tố cần thiết để phát triển du lịch biển, đảo phù hợp với xu hướng trên thế giới.