Chiến dịch “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa” được thực hiện với nguồn tài trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF-Việt Nam phối hợp triển khai cùng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Đây là một trong những nỗ lực thiết thực của UBND huyện Côn Đảo và WWF-Việt Nam với kỳ vọng góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, đồng thời hạn chế giảm tồn đọng rác thải nhựa tại Khu bảo tồn biển Côn Đảo.
Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và du khách trong việc giảm tiêu thụ nhựa sử dụng một lần, xử lý lượng rác thải tồn đọng trong môi trường, tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt và tập trung xử lý chất thải nhựa.
Với đặc thù nằm giữa biển, Côn Đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác nhựa đại dương, nhất là ở các khu rừng ngập mặn, các rạn san hô và các bãi đá. Lượng khách du lịch tăng nhanh chóng nên các bãi rác của huyện rơi vào tình trạng quá tải.
Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình phát sinh tại Côn Đảo hiện dao động trong khoảng 17- 20 tấn/ngày. Chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm với tỉ lệ phần trăm rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3% so với tổng lượng phát sinh toàn huyện (thống kê năm 2021).
Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương. Chính vì vậy, chiến dịch “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa" nhằm tập trung nâng cao nhận thức của khách du lịch để mỗi du khách trở nên có trách nhiệm hơn khi đến thăm Côn Đảo.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa, WWF-Việt Nam chia sẻ: “WWF-Việt Nam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại Việt Nam và Côn Đảo từ những năm 1990, chúng tôi có nhiều dự án, hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Côn Đảo. Hiện nay, đứng trước vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương đang ảnh hưởng đến các sinh cảnh quan trọng của Côn Đảo, với mong muốn cùng chính quyền địa phương và các bên liên quan chung tay giải quyết vấn đề này, WWF-Việt Nam rất hoan nghênh lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo đã cam kết đưa Côn Đảo trở thành điểm đến giảm nhựa, với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường năm 2025, ghi tên mình trở thành Đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của WWF trên toàn cầu.”
Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: “Chúng tôi tin tưởng việc tham gia vào chương trình Đô thị Giảm nhựa sẽ giúp huyện Côn Đảo huy động thêm nguồn lực triển khai các hoạt động cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa cũng như có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đô thị khác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cũng góp phần giúp xây dựng hình ảnh Côn Đảo điểm đến du lịch hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế”.
UBND huyện Côn Đảo đã thống nhất cùng xây dựng kế hoạch mục tiêu đến năm 2025 và triển khai các hoạt động quan trọng hướng tới mục tiêu chung giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái biển tại Côn Đảo.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của khách du lịch, trong thời gian tới, WWF-Việt Nam cùng với UBND huyện Côn Đảo sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động để nâng cao hiểu biết của người dân địa phương như vận động các cơ sở kinh doanh và dịch vụ thương mại giảm sử dụng túi ni lông và nhựa sử dụng một lần.
Từ ngày 21-27/3, UBND huyện Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) khởi động chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch tại Côn Đảo cùng thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương". Đồng thời, một chuỗi sự kiện để chào mừng Lễ ký kết cam kết Côn Đảo - Điểm đến Giảm nhựa cũng được UBND huyện Côn Đảo và WWF Việt Nam thực hiện như: Tuần lễ giảm nhựa trên phạm vi toàn đảo (ngày 21-27/3); Triển lãm “Du hí biển nhựa" kết hợp “Ngày hội Đổi rác lấy quà" tại trụ sở Phòng Tài nguyên và Môi trường (ngày 25-26/3).
Bên cạnh đó, Sổ tay giảm nhựa khi du lịch Côn đảo cũng được phát hành trong thời gian này. Chuỗi hoạt động khởi động này sẽ là bước đầu để mỗi cá nhân, mỗi khách du lịch khi đến Côn Đảo đều có thể đóng góp một phần trách nhiệm của mình trong việc xây dựng hình ảnh hòn đảo thiên đường đẹp xinh, giảm nhựa, sạch và trong lành.
*Sáng cùng ngày, sau Lễ ký cam kết “Côn Đảo – Điểm đến giảm nhựa”, Tổng cục Thuỷ sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Tiền Phong, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với UBND huyện Côn Đảo tổ chức Lễ phát động Chung tay Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản quý hiếm và Bảo vệ môi trường biển đảo với chủ đề “Chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường biển đảo vì thế hệ hôm nay và mai sau”.
Phát biểu Lễ phát động, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ phó phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi Thủy sản – Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong những năm qua, ngành kinh tế thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng khai thác quá mức, sử dụng các ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; tình trạng ô nhiễm môi trường biển; hoạt động sản xuất, xây dựng các cơ sở du lịch đã và đang làm suy giảm đáng kể sự đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực tự nhiên dẫn đến một số loài đứng trước nguy cơ đe dọa tuyệt chủng. Để ngăn chặn tình trạng trên rất cần sự chung tay, đồng lòng của tất cả chúng ta, truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về ý nghĩa của công tác bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đến toàn thể người dân.
Thông qua Lễ phát động Chung tay Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản quý hiếm và Bảo vệ môi trường biển đảo, Tổng cục Thủy sản mong muốn các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hãy có những hành động thiết thực để bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản quý hiếm và bảo vệ môi trường biển đảo chúng ta hãy hành động bằng những việc làm cụ thể như: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với cuộc sống cũng như đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo; tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản; không đánh bắt, mua bán, tiêu thụ các loài nguy cấp quý hiếm, đặc biệt như: Rùa biển, dugong, san hô; Tích cực tham gia các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác, đặc biệt là rác thải ni-lon ra môi trường (đặc biệt là vùng biển), để bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.