Theo kế hoạch, 7 giờ 30 phút ngày 20/5, các thành viên trong đoàn đã có mặt tại quân cảng Cát Lái để xuống tàu. Ngay từ phút đầu tiên bước chân xuống tàu kiểm ngư KN 491, gặp các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trên tàu, qua ánh mắt, nụ cười, những cái bắt tay làm quen, tôi đã cảm nhận được ở họ về sự mộc mạc, chân thành đầy sâu lắng, thấm đậm tình người, tình yêu biển đảo quê hương.
Cán bộ, chiến sỹ Trường Sa duyệt đội ngũ. |
Sau khi nhận phòng, mọi người ra mặt boong vẫy chào các sỹ quan, chiến sỹ Hải quân xếp hàng thẳng tắp bên mạn phải con tàu với nghi thức tiễn đoàn. Đặc biệt, trong buổi tiễn đoàn sáng hôm ấy còn có bà Trương Thị Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Sau gần 30 giờ lênh đênh trên biển, điểm dừng chân đầu tiên của chuyến hành trình là đảo Đá Lát. Tàu neo lại cách đảo chừng 1 km, 2 chiếc xuồng máy được hạ từ boong tàu xuống biển để đưa đoàn công tác lên đảo. Bước chân lên đảo gặp các cán bộ, chiến sỹ mang sắc phục hải quân ra đón chúng tôi vào thăm nơi ở và làm việc, trong tim tôi bỗng dâng trào cảm xúc rất lạ xen lẫn niềm kiêu hãnh về người lính Hải quân mà một thời tôi đã từng đứng trong hàng ngũ ấy nhưng chưa một lần được đến với Trường Sa. Ở nơi đảo xa giữa nghìn trùng sóng nước, cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ thật giản dị, tôi cảm nhận được trong sâu thẳm của mỗi cán bộ, chiến sỹ dù ở bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn luôn thường trực ý chí sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Tác giả bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông (ảnh do tác giả cung cấp). |
Họ đã và đang vượt qua biết bao khó khăn thử thách để giữ vững biển, trời của Tổ quốc vì sự bình yên cho chúng ta hôm nay và cho con cháu mai sau. Cách xa đất liền hàng ngàn km giữa biển khơi mênh mông, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo vẫn lạc quan yêu đời, luôn vững chắc tay súng và niềm tin chiến thắng. Họ đến với đảo từ mọi miền của đất nước với những hoàn cảnh và tuổi đời khác nhau nhưng tất cả họ là một khối đoàn kết, cùng chia sẻ ngọt bùi, chan hòa trong cuộc sống đầy ắp tình nghĩa thân thương như anh em một nhà. Nhờ khối đoàn kết gắn bó ấy, bao lớp cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc xứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà lịch sử đã trao.
Không chỉ ở đảo Đá Lát mà tất cả các điểm đảo đoàn công tác đến thăm đều cảm nhận được cuộc sống của những người lính đảo tuy còn nhiều vất vả nhưng họ luôn thường xuyên rèn luyện ý chí, bản lĩnh, quyết tâm vượt qua để “chiến thắng” thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên ập đến. Ở nơi nắng, gió bao la, nước ngọt là thứ “hàng hiếm” vậy mà các cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã biết cách sử dụng hợp lý, tiết kiệm từng giọt nước cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và chăm chút, ươm mầm màu xanh đảo.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Nho (thứ 2 từ trái sang) đang giới thiệu với đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương (người giữa) và đoàn công tác khi đến thăm Trường Sa. |
Đặc biệt là ở những đảo chỉ có đá và san hô. Đến các đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Tây, Đá Đông B, Tiên Nữ..., nhìn những luống rau cải, mướp đắng, cà chua, mồng tơi xanh mướt; những đàn gà, vịt chạy tung tăng; những chú lợn căng tròn, tôi thật sự cảm phục ý chí diệu kỳ của những người lính đảo. Ngoài gà, lợn, rau xanh do lính đảo tự tăng gia đủ cho nhu cầu thực phẩm hằng ngày, trên các đảo chúng tôi đến thăm còn có những đàn chó đáng yêu, chúng không chỉ là những người “bạn thân” của lính đảo mà còn là những chú “cảnh khuyển” ngày đêm cùng các chiến sỹ canh giữ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong suốt thời gian tham quan các đảo, các ca sỹ của Đoàn ca kịch tỉnh Thái Bình và Nhà hát Trưng Vương, TP Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn nghệ phục vụ quân, dân trên đảo. Đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa Lớn mặc dù trước giờ biểu diễn trời mưa nặng hạt nhưng các cán bộ, chiến sỹ trên tàu KN 491 cùng quân, dân trên đảo đã tề tựu chật kín hội trường. Nhiều tiết mục hát, múa của các ca sỹ chuyên nghiệp như: Nghệ sỹ ưu tú Huyền Phin (Đoàn ca kịch Thái Bình), ca sỹ Quang Hào, quyền Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng... và nhiều giọng ca không chuyên của những người lính đảo, của các cán bộ đoàn công tác và các chiến sỹ, thủy thủ trên tàu KN 491 cứ liên tục cất lên sôi động một góc trời tưởng như không thể dứt.
Đêm chia tay lưu luyến của các ca sỹ trong đoàn công tác với quân, dân đảo Trường Sa Lớn khiến nhiều người bịn rịn không cầm được nước mắt. Từ những hình ảnh xúc động ấy, Trưởng đoàn công tác Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương đã sáng tác bài thơ “Cây bàng vuông Trường Sa” thể hiện lòng cảm phục của tác giả trước sự rắn rỏi, gan góc, can trường của người lính Trường Sa được anh Phạm Tấn Anh, Trưởng đoàn ca kịch Thái Bình phổ nhạc ngay trên tàu và đệm đàn cho các ca sỹ hát nhiều lần tại các buổi giao lưu văn nghệ trên boong tàu trong những ngày sau đó...
Tác giả tác nghiệp trong lần đầu đến với Trường Sa (ảnh do tác giả cung cấp). |
Con tàu KN 491 neo đậu trên vùng biển cụm Tư Chính cách Nhà giàn DK1 chừng 1,5 km trong thời gian suốt 8 giờ đồng hồ chờ sóng yên biển lặng để thả xuồng máy đưa các thành viên đoàn công tác lên thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ công tác trên Nhà giàn nhưng không thực hiện được vì sóng quá lớn, rất nguy hiểm. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân vẫn hạ quyết tâm cùng mấy sỹ quan, thủy thủ xuống xuồng nổ máy chạy ra tận nơi nhưng không thể tiếp cận được Nhà giàn, đành cho xuồng cập mạn chiếc tàu trực chiến đậu gần đó chuyển quà tặng của đoàn công tác lên tàu chờ khi nào biển lặng nhờ trao giúp tới các chiến sỹ Nhà giàn.
Các ca sỹ, chiến sỹ trên tàu đã nảy ra sáng kiến tổ chức đàn, hát trực tiếp qua máy bộ đàm cho các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn nghe và ngược lại qua bộ đàm trên Nhà giàn, 2 chiến sỹ quê Thanh Hóa và Nghệ An cũng say sưa hát những bản nhạc ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước và truyền thống anh hùng của Hải quân Việt Nam. Cũng tại đây, đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong không gian tĩnh lặng, giờ phút thiêng liêng, tất cả các thành viên trong đoàn đều xúc động, với tấm lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn tưởng nhớ các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1 và tàu trực chiến đã anh dũng hy sinh nằm lại biển khơi...
Chuyến đi 10 ngày đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, với những gì mắt thấy, tai nghe tôi đã chiêm nghiệm được nhiều hơn về cụm từ “tinh thần đoàn kết” - điều mà mỗi khi nói đến tưởng chừng là hô hào, sáo rỗng. Nhưng đối với bao lớp người lính đảo đã được chứng minh bằng thực tế là họ đã và đang tiếp tục xây dựng được mối đoàn kết thực sự, gắn bó thủy chung, tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau giữa quân, dân trên đảo. Sau chuyến đi, gần 300 người (kể cả thủy thủ đoàn) đến từ nhiều ngành, cơ quan, đơn vị, vùng miền khác nhau đã chia tay trong lưu luyến để trở về với gia đình và bắt tay vào công việc thường nhật của mình. Chắc chắn trong mỗi người đã và sẽ nảy sinh thêm những tình cảm gần gũi, thân thiện nhau hơn, trong trái tim nhiều người sẽ khó phai về những kỷ niệm, cảm xúc tuyệt vời đến trào dâng và nó sẽ mang theo đến suốt cả cuộc đời.