Qua đó, được ngư dân yêu mến và trở thành “lá chắn thép” giữ vững an toàn vùng đất, vùng biển, vùng trời Tây Nam của Tổ quốc.
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tích cực tuyên truyền tới ngư dân về chủ quyền biên giới biển, đảo và chấp hành những quy định của Nhà nước trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
|
Những ngày gần đây, thông tin về hai vụ chìm tàu trên vùng biển Nam Du, huyện Kiên Hải đã được nhiều người dành các lời khen ngợi nhất về tinh thần tương trợ của ngư dân Kiên Giang cũng như sự hỗ trợ từ Bộ đội Biên phòng trong việc cứu giúp 14 người gặp nạn và một tàu tải bị thủng, nước tràn vào chìm dần.
Thượng tá Đặng Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nam Du (huyện Kiên Hải) cho biết, để giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn cũng như đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng phải luôn nêu cao cảnh giác, bám sát địa bàn, đồng thời dự đoán được tình hình, từ đó xây dựng kế hạch phù hợp theo từng thời điểm cụ thể.
Ngoài ra, các chiến sĩ biên phòng phải giữ vững quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Qua đó, giúp đỡ chính quyền và nhân dân phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội cùng nhau xây dựng biển, đảo từ đó tạo nên nền Biên phòng toàn dân vững mạnh. Nhờ cách làm ấy, không chỉ giúp lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện ngăn chặn các vụ vi phạm pháp luật, mà còn kịp thời hỗ trợ ngư dân khi có sự cố trên biển xảy ra.
Với hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, vùng biển Kiên Giang chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng có giá trị kinh tế cao, từ sản lượng thủy sản đến khai thác du lịch. Hiện Kiên Giang có hơn 10.000 tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển, hàng năm ước tính tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 500.000 tấn, mang lại nguồn lợi lớn cho tỉnh.
Nhưng bên cạnh những ưu điểm, vùng biển Kiên Giang cũng chứa nhiều bất ổn. Là khu vực tiếp giáp với nhiều quốc gia, thời tiết diễn biến bất thường đã gây trở ngại không nhỏ cho ngư dân.
Từ những vụ án, tai nạn gần đây xảy ra cho thấy, người dân đang cần một điểm tựa mỗi chuyến ra khơi. Xuất phát từ nhu cầu đó, ngày 19/12, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Kiên Giang thành lập Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai thảm họa tại xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, nhằm kịp tời hỗ trợ người dân khi có sự cố bất ngờ xảy ra.
Anh Nguyễn Văn Tài, một ngư dân đánh bắt trên vùng biển Thổ Châu cho biết, Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai thảm họa thành lập trên đảo Thổ Châu có tầm kiểm soát rộng sẽ giúp đỡ người dân an tâm vươn khơi bám biển.
Đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai thảm họa Thổ Châu có chức năng tuần tra, bảo vệ vùng biển, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển được giao; tổ chức trực canh thông tin 24/24 giờ nhằm kịp thời phát hiện tình hình thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra trên khu vực và các vùng biển lân cận; đảm bảo thông tin, liên lạc thông suốt với các cơ quan chức năng và các loại phương tiện hoạt động trên biển để phối hợp trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn…
Ngoài ra, trạm còn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động, huấn luyện, luyện tập, cùng tham gia diễn tập với các lực lượng liên quan trong khu vực theo kế hoạch của bộ chỉ huy và địa phương.
Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai thảm họa Thổ Châu được trang bị 1 tàu chuyên dùng cho mục đích cứu hộ, cứu nạn. Tàu có khả năng chữa cháy, thông tin liên lạc, sơ cấp cứu… có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 6, cấp 7. Theo đại tá Phạm Văn Sáng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang, với vùng biển rộng, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn, nhất là vào mùa mưa.
Để công tác cứu hộ, cứu nạn tốt hơn, bên cạnh các trạm Biên phòng ở tất cả các khu vực biển trọng điểm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cũng luôn đảm bảo lực lượng trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, kịp thời giúp ngư dân trước mọi tình huống. Khi có tình huống xảy ra gọi vào số điện thoại 862062, đây là số điện thọai Sở Chỉ huy trực 24/24 giờ để xử lý mọi tình huống trên biển.