Hệ sinh thái biển và ven bờ ở Việt Nam cung cấp nhiều lợi ích kinh tế (thực phẩm, thu nhập, việc làm) và nhiều giá trị cộng đồng (tham quan, giải trí, văn hóa) cho đời sống con người, thông qua những dịch vụ và chức năng quan trọng như điều tiết, cung cấp lương thực, văn hóa và hỗ trợ. Nhu cầu về dịch vụ sinh thái ngày càng tăng do dân số tăng và sự phát triển kinh tế ở các khu vực ven biển.
Giá trị của các hệ sinh thái biển
Việt Nam có hệ thống các hệ sinh thái biển đa dạng, bao gồm 155.000 ha rừng ngập mặn, khoảng 1.300 km2 rạn san hô, gần 500 km2 đầm phá và khoảng 16.000 ha cỏ biển, nhiều khu vực bãi triều và cửa sông. Các hệ sinh thái này đã cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng cho người dân, với khoảng 20 triệu người gián tiếp chịu tác động của các dịch vụ này, 8 triệu người nghèo trực tiếp sống phụ thuộc vào các hệ sinh thái.
Dạo bộ dưới biển ngắm san hô tại Hòn Tằm (Nha Trang) với thiết bị mũ lặn. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN |
Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng: Tổng giá trị các sản phẩm dịch vụ của hệ sinh thái rạn san hô của nước ta ước tính vào khoảng 100 triệu USD, trong đó 1 km2 rạn san hô có thể cung cấp lượng hải sản đánh bắt lên tới 10.000 USSD. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, 1 km2 rừng ngập mặn có thể cung cấp lượng đánh bắt 450kg hải sản. Mỗi năm hệ sinh thái cỏ biển cung cấp lượng thủy sản và các dịch vụ có giá trị trên 20 triệu USD. Còn tổng giá trị đầm phá ước tính trên 2.000 USD/ha.
Về các giá trị điều tiết: Có thể thấy rõ chức năng bảo vệ đường bờ biển của các rạn san hô tại một số điểm ở Miền Trung như Bãi Tiên và Hòn Khói của tỉnh Khánh Hòa. Rừng ngập mặn có thể làm giảm xói mòn bờ biển và bảo vệ đường bờ khỏi bão và triều cường. Mỗi m2 cỏ biển có thể tạo ra 10 lít oxy hòa tan, góp phần cân bằng O2 và CO2 trong nước, làm giảm hiệu ứng nhà kính khí hấp thụ CO2 vào nước.
Mỗi acre (tương đương 0,44ha) cỏ biển có thể tạo ra 10 tấn lá mỗi năm. Lượng sinh khối này tạo ra nguồn thức ăn, sinh cảnh và nơi sinh đẻ của nhiều loài động vật không xương sống, có xương sống cả ở giai đoạn con non và trưởng thành. Các loài thực vật cỏ biển cũng đóng góp vào mạng lưới thức ăn, hoặc trực tiếp thông qua các động vật ăn cỏ biển, hay gián tiếp sau khi các loài thực vật cỏ biển chết đi và trở thành thức ăn mùn bã. Một số quần đảo như Trường Sa, Hoàng Sa phát triển trên nền san hô dã chết. Nhiều bãi tắm đẹp ở Hạ Long, Cát Bà cũng được tạo ra trong quá trình hình thành rạn san hô.
Tiêu biểu như thành phố Nha Trang là một trong trung tâm du lịch biển của Việt Nam, sở hữu những rạn san hô đa dạng quanh những đảo gần bờ. Riêng dịch vụ lặn biển ở đây ước tính mỗi năm 400.000USD. Hiện cũng đã có nhiều hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng như ở rừng ngập mặn Cần Giờ-Thành phố Hồ Chí Minh, Giao Thủy-Nam Định.
Nguy cơ suy thoái các hệ sinh thái
Qua nghiên cứu, khảo sát của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, các hệ sinh thái biển của Việt Nam đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng trong những thập niên vừa qua. Chỉ 1% trong số 1.300km2 rạn san hô dọc bờ biển hiện trong điều kiện tốt. Độ che phủ của san hô đã giảm 30% tại một số nơi trong giai đoạn 1993-2004. Hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng đang bị suy thoái mạnh mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 20, đến nhưng năm 90 của thế kỷ này. Lượng đánh bắt hải sản trên 1 ha tại đầm phá giảm xuống hơn một nửa trong thập niên trước. Thảm cỏ biển tại tỉnh Khánh Hòa bị thu hẹp đáng kể với tốc độ 80ha mỗi năm.
Nguyên nhân suy thoái các hệ sinh thái biển trước hết là do nhu cầu sử dụng dịch vụ hệ sinh thái ngày một tăng, chủ yếu do áp lực dân số. Đơn cử như tổng diện tích nuôi tôm năm 2000 mới có 250.000ha, nhưng đến năm 2003 đã lên đến 530.000ha. Hiện Việt Nam nằm trong những quốc gia có diện tích nuôi tôm lớn nhất thế giới. Trong khi khả năng phản hồi lại nhu cầu cao như vậy của các hệ sinh thái rất thấp, do sự suy giảm về diện tích và năng suất dưới tác động của con người.
Các yếu tố ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển bao gồm khai thác quá mức vùng ven bờ, đánh bắt theo lối hủy diệt, nuôi trồng thủy sản thiếu bền vững, các hoạt động công nghiệp và sử dụng đất tràn lan, cộng với biến đổi khí hậu gia tăng. Bên cạnh đó, các yếu tố gián tiếp như quản lý tài nguyên ven biển yếu kém, gia tăng nhu cầu hải sản. Khả năng chống chịu của sinh kế thấp khi chịu tác động của biến đổi môi trường. Sinh kế của người dân ven biển quá phụ thuộc vào nguồn tài nguyên ven biển sẵn có.
Những mâu thuẫn phát sinh
Phân tích “Đánh giá các dịch vụ hệ sinh thái biển và ven biển đối với giảm nghèo ở Việt Nam”, do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng thực hiện cho thấy: Sự suy giảm về diện tích các vùng ven biển và sự suy thoái của các hệ sinh thái và tài nguyên ven biển, đã và đang làm giảm các cơ hội sinh kế của người dân ở đây. Hậu quả của quá trình này là suy giảm sản xuất lương thực và thu nhập, nghèo đói và mất an ninh xã hội. Để thích nghi với những thay đổi về môi trường, người dân vùng ven biển buộc phải di cư tới các vùng khác nhằm tìm kiếm những việc làm mới và các cơ hội thu nhập khác.
Những mâu thuẫn cũng phát sinh trong việc sử dụng nguồn lợi ven biển từ các nhóm sử dụng khác nhau. Chẳng hạn nhóm nuôi trồng thủy sản mâu thuẫn với nhóm khai thác quy mô nhỏ, vì chất thải không được sử lý từ các ao nuôi của họ sẽ gây ô nhiễm vùng nước dành cho hoạt động khai thác. Công nghiệp ảnh hưởng xấu tới khai thác thủy sản thủ công, do tràn dầu và ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng ở nhiều khgu vực. Hiện tượng này thường thấy ở Vịnh Hạ Long-Quảng Ninh, hoặc Vịnh Vân Phong-Khánh Hòa.
Mâu thuẫn còn liên quan đến việc cung cấp lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái tăng lên, do sự phân hóa giàu nghèo ngày một trầm trọng. Nuôi trồng thủy sản phát triển làm cho người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo đi. Người có tiền tham gia nuôi trồng thủy sản sẽ làm cho khu vực khai thác của người có thu nhập thấp bị thu hẹp. Đó là chưa kể bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận với các lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái cũng là vấn đề lớn ở một số vùng ven biển hiện nay.
Sự suy giảm các hệ sinh thái nhất là rừng ngập mặn đã tác động đáng kể về mặt xã hội với người nghèo. Đặc biệt là phụ nữ. Vì họ là những người thu lượm hải sản ở các vùng ven biển. Việc tư hữu hóa nguồn đất đai cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản, dẫn tới thực tế là người giàu có thêm quyền lực, trong khi người nghèo gồm cả phụ nữ dường như có thêm những thách thức khi tìm kiếm các sinh kế khác thay thế. Vì khả năng tiếp cận của người nghèo tới nguồn vốn, công nghệ và những nguồn lợi khác như đất đai là rất hạn hẹp.
Những lựa chọn về chính sách
Trước hết nên lựa chọn đồng quản lý trên lĩnh vực thủy sản, bằng việc thể chế hóa các mô hình từ các hoạt động thử nghiệm ở cấp quốc gia. Do hầu hết người nghèo vùng ven biển liên quan đến thủy sản, nên cách quản lý thủy sản cần phải được cải thiện. Bên cạnh đó tìm kiếm những lựa chọn ngoài lĩnh vực thủy sản do nguồn lợi ven bờ bị suy giảm, chẳng hạn như lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch hoặc các dịch vụ khác thay thế, nhằm giúp cho thế hệ tương lai của ngư dân thay đổi cách thức kiếm sống của họ.
Cách tiếp cận quản lý dựa vào hệ sinh thái cho việc sử dụng và quản lý nguồn lợi tự nhiên cũng cần được xúc tiến. Do trên thực tế, hầu hết các quyết định quản lý được đưa ra dựa theo đơn vị hành chính, hay các quan tâm về chính trị mà đôi khi chưa xem xét kỹ vấn đề tự nhiên. Do vậy, khi đưa ra quyết định phát triển ngành kinh tế nào đó, phải dựa vào những dịch vụ mà các hệ sinh thái hiện có ở địa bàn có thể cung cấp, có nghĩa là cần tôn trọng quy luật của tự nhiên.
Chính sách về quản lý tổng hợp vùng bờ nên được thúc đẩy ở cả mức độ xây dựng chính sách và thực hiện. Đồng thời mô hình về mối quan hệ công tư cần nghiên cứu sâu về mối liên hệ giữa các dịch vụ hệ sinh thái và đói nghèo. Doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái phải bù đắp lại các lợi ích cho những người sống phụ thuộc vào nguồn lợi này. Mặt khác, Chính phủ nên khuyến khích sự phát triển của các ngành ở vùng biển và ven biển, đi đôi với xây dựng chính sách phối hợp với các bên liên quan khác để đầu tư và hưởng lợi, từ sự đầu tư của họ một cách bền vững.