Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia căn dặn các ngư dân trước khi về nước Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Indonesia) |
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn thông báo trong năm 2016, số ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt tăng đột biến so với năm 2015 và so với cả các năm trước đây. Năm 2015, số ngư dân bị bắt giữ khoảng gần 700 người, gấp khoảng 3 lần so với từ năm 2014 trở về trước, trong khi con số này trung bình mỗi năm chỉ khoảng từ 200-250 người. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm 2016, số ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt đã lên tới gần 1.100 người, tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Trong số đó, phía Indonesia đã trao trả cho Việt Nam hơn 1.000 người. Đến nay, phía Indonesia đã bắt 98 tàu, thuyền và tất cả đều bị tịch thu để xử lý theo luật pháp Indonesia. Như vậy, có thể thấy sự tăng đột biến về số ngư dân bị phía Indonesia bắt giữ cũng như số ngư dân được trả về.
Một thực tế khác là không chỉ bản thân số ngư dân Việt Nam bị bắt so với các năm tăng mạnh mà so với các nước láng giềng, số ngư dân vi phạm của ta cũng có chiều hướng gia tăng. Số ngư dân các nước láng giềng của Indonesia bị bắt lại có xu hướng giảm như Myanmar, Thái Lan, Philippines, Malaysia. Đánh giá những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ngư dân bị bắt tăng đột biến, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho rằng trước tiên phải thừa nhận việc quản lý ngư dân đánh bắt xa bờ của ta có sự yếu kém và buông lỏng. Thứ hai là công tác tuyên truyền của ta chưa tốt, chưa đến được ngư dân và nhiều ngư dân không hiểu biết được là mình đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia là vi phạm nghiêm trọng và sẽ bị phía nước bạn xử phạt nặng. Thứ ba là hình thức xử lý vi phạm của ta chưa đủ mức răn đe. Qua việc đi thăm các ngư dân bị phía Indonesia bắt giữ, Đại sứ nhận thấy ngoài một số ngư dân bị phía Indonesia bắt giữ lần đầu tiên, có khá nhiều ngư dân tái phạm và bị bắt đến lần thứ hai, thứ ba. Kết hợp lại những vấn đề này, Đại sứ cho rằng cần có một số biện pháp đồng bộ để làm sao giảm số ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển của Indonesia.
Về công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho biết trong năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã hết sức nỗ lực để làm tốt công tác bảo hộ công dân, trong đó nhiều nhất là bảo hộ công dân đối với các ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại Indonesia. Năm 2016 đã có một số lượng lớn ngư dân bị bắt được trao trả về trong thời gian khá nhanh. Để làm được điều đó, các cán bộ Đại sứ quán đã phải rất nỗ lực, huy động thêm cán bộ ở bộ phận khác sang hỗ trợ vì Đại sứ quán chỉ có một người chuyên trách để xử lý vấn đề này.
Bên cạnh đó, công tác bảo hộ đối với ngư dân cũng là vấn đề hết sức phức tạp, Indonesia là một đất nước rộng lớn, ngư dân của ta bị bắt và giam giữ ở nhiều nơi khác nhau. Đây cũng là một khó khăn cho công tác bảo hộ ngư dân. Đại sứ quán phải liên hệ với rất nhiều các cơ quan khác nhau của Indonesia tại các vùng, phần lớn là các đảo nằm rất xa nhau, riêng việc kết nối được cũng rất khó khăn. Việc xử lý hồ sơ phải mất nhiều ngày để liên hệ hai chiều, cả trong nước và các cơ quan liên quan của bạn, trong khi số ngư dân bị bắt giữ quá lớn gây quá tải cho bộ phận lãnh sự.
Trong thời gian tới, để giảm thiểu số ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ, Đại sứ đề xuất cần tiến hành các biện pháp đồng bộ cả ở trong lẫn ngoài. Cụ thể, các địa phương, nơi có nhiều ngư dân, có nhiều tàu thuyền sang đánh bắt cá trái phép ở Indonesia cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phải có biện pháp răn đe hết sức nghiêm minh để các chủ tàu, các thuyền trưởng, kể cả các ngư dân nhận thấy việc đánh bắt cá trái phép ở vùng biển của Indonesia là vi phạm nghiêm trọng đến luật pháp nước bạn và phải trả giá đắt cả về danh dự, sự tự do và việc phải đền bù vật chất.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm của các nước khác như Thái Lan, Myanmar trong việc giải quyết tình trạng ngư dân vi phạm. Trước đây, các nước này cũng có số ngư dân bị phía Indonesia bắt giữ tương tự như ngư dân của Việt Nam, nhưng nay đã giảm đi rất nhiều. Kinh nghiệm của họ có thể gợi ý thêm về các giải pháp cho việc giải quyết vấn đề ngư dân của ta.