Vùng biển Tây Nam có nhiều đảo lớn nhỏ thuộc hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Trên các đảo thuộc vùng biển Cà Mau, chỉ có Hòn Chuối là có đông dân cư sinh sống còn vùng biển Kiên Giang có nhiều đảo lớn, thu hút đông dân cư sống lâu đời trên đảo. Ngoài đảo Phú Quốc, các đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc), Củ Tron, Nam Du, Hòn Sơn, Hòn Tre (huyện Kiên Hải), Hòn Đốc (thị xã Hà Tiên)... đều là xã đảo. Đến nay, tại các xã đảo đã có trường mầm non, tiểu học, THCS nhưng chỉ một số đảo là trung tâm huyện lỵ mới có trường THPT.
Lớp học tại xã đảo An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang). |
Thổ Châu (thuộc quần đảo Phú Quốc, Kiên Giang) là một trong những xã đảo lớn với 570 hộ dân, hơn 2.000 nhân khẩu. Đời sống người dân đã khấm khá hơn trước nhờ nghề nuôi, đánh bắt cá và buôn bán dịch vụ. Thế nhưng điều trăn trở lớn nhất của người dân nơi đây vẫn là việc học hành của con trẻ. Hiện nay ở trên đảo mới có đến khối THCS, tức là học hết lớp 9, muốn học tiếp thì phải vào Phú Quốc hoặc đất liền. Thế nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con vào đất liền theo học.
Ông Nguyễn Thanh Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, điều kiện đi lại của người dân hiện rất khó khăn. Dù nhiều lần cải thiện và rút ngắn, đến nay phải mất 5 ngày mới có một chuyến tàu từ Phú Quốc ra Thổ Châu và ngược lại. “Với lịch trình này về huyện dự một buổi họp có khi cán bộ phải mất 10 ngày vì có khi lịch họp không trùng lịch đi của tàu nên phải ở lại để chờ tàu về. Điều kiện đi lại khó khăn nên việc học hành của trẻ nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn, đến nay tỷ lệ học sinh học lên đến cao đẳng, đại học vẫn ít”, ông Nhiệm chia sẻ.
Tương tự, đảo Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang) là một trong những đảo lớn, có nhiều dân sinh sống và đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, con đường đến trường của các em ở đây cũng còn nhiều khó khăn. Hiện nay, trên xã đảo An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) mới có trường Tiểu học và THCS An Sơn, chưa có trường cấp ba, muốn học lên bậc cao hơn các em phải vào đất liền nhưng điều kiện đi lại cũng rất khó khăn.