Giữ gìn cột mốc biên cương

Những năm qua, bên cạnh lực lượng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đảm bảo an toàn cột mốc biên cương giữ vững toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, còn có sự đóng góp của những người dân vùng biên giới.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân về công tác cung cấp thông tin khi phát hiện tàu cá có hình vi buôn lậu trên biển. Ảnh: Lê Sen/ TTXVN


Trên cánh đồng xã Phú Lợi, huyện Giang Thành tiếp giáp với tỉnh Kam Pốt (Vương quốc Campuchia) – nơi có cột mốc chủ quyền 303, hàng ngày dưới chân cột mốc người dân hai bên biên giới vẫn gặp gỡ nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Vân, ngụ ấp Rạch Gỗ, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành cho biết, trước kia khu vực này còn hoang hóa, chỉ để cỏ và lau sậy mọc, những năm gần đây nhờ chủ trương của Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mở rộng diện tích canh tác, bà con mạnh dạn đầu tư vốn khai hoang đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Từ đó năng suất lúa trên nền đất phèn mặn ngày trước được nâng lên.

Đưa tay về hướng cột mốc 303 ông Vân cho biết, người dân hai bên biên giới quý mến nhau bao nhiêu thì quyết tâm bảo vệ cột mốc chủ quyền bấy nhiêu. Sau mỗi buổi đi làm đồng, như thói quen, trước khi ra về mọi người cùng nhau đến dưới chân cột mốc chỉ nhìn hình ảnh quen thuộc cột mốc và cũng tự nhắn nhủ mình góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Thanh Vân bộc bạch: “Làm ruộng ở đây giáp với vùng biên giới, thấy có dấu hiệu khác lạ là báo ngay với lực lượng Biên phòng. Bởi đây là vùng giáp biên giới, cột mốc chủ quyền thể hiện chủ quyền quốc gia nên không ai được phép xâm phạm”.

Để đến được cột mốc 303, từ lộ vành đai vùng biên, phải qua con kênh rộng với chiếc vỏ lãi nhỏ của ông Nguyễn Văn Nam, người dân ngụ ấp Rạch Gỗ, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành. Cũng giống như ông Vân, ngôi nhà của ông Nam được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ xem là bến phà “di động” đưa rước cán bộ chiến sĩ qua sông để đến thăm cột mốc. Ông Nam chia sẻ, ở khu vực giáp biên, người dân hai bên đoàn kết lắm. Cứ có dịp lễ tết truyền thống hai bên là bà con vùng biên giới giáp biên lại sang thăm nhau, thể hiện tình anh em thêm gắn bó. Qua đó còn tăng cường giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao để gắn bó thêm tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.

Theo Thiếu tá Danh Kim Huôl, Chính trị viên, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Mỹ, được sự chấp thuận của chính quyền hai tỉnh Kiên Giang và Kam Pốt, các địa phương giáp biên vùng biên giới đều đã ký kết nghĩa. Nội dung ký giao ước là hai bên sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ đường biên, cột mốc không làm thay đổi dòng chảy hai bên bờ kênh; chấp hành nghiêm các quy định về việc qua lại khu vực biên giới. Ngoài ra không tham gia vận chuyển, buôn bán và báo cho cơ quan chức năng hai bên nếu phát hiện đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu… Cũng từ việc ký kết nghĩa đã tăng cường mối quan hệ mối dân tộc, thân tộc vốn có từ lâu đời giữa nhân dân hai bên vùng giáp biên để cùng nhau xây dựng vùng biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thiếu tá Danh Kim Huôl cho biết, giữa lực lượng hai bên và bà con hai bên biên giới đã có mối đoàn kết từ lâu đời. Thời gian qua, giữa Đồn Biên phòng Phú Mỹ và lực lượng giữ gìn biên giới phía bạn hàng tháng đều có tuần tra song phương chung và khi có sự việc xảy ra thường thông báo cho nhau phối hợp cùng nhau giải quyết. Từ đó, mối quan hệ ngày càng vun đắp gắn bó mật thiết hơn để tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vững chắc. Bên cạnh đó, bà con hai bên biên giới làm ăn ngày phát triển để cùng nhau đưa hai đất nước phát triển đi lên tầm cao mới.

Có mặt cùng với lực lượng hai bên biên giới tại cột mốc chủ quyền 303, chúng tôi cảm nhận một điều rất thiêng liêng ngay trên vùng biên giới và cảm nhận được sự thân thiết, gắn kết giữa quân và dân hai nước hai bên biên giới. Dù khác tiếng nói, khác nguồn, nhưng giữa vùng biên mọi người như gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Mọi việc qua lại làm ăn, thăm thân thuận tiện hơn trước rất nhiều. Đó cũng là điều cốt lõi để giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới luôn ổn định.

Rời cột mốc chủ quyền 303, đứng trên bờ kênh vành đai hướng về vùng biên giới, chúng tôi cảm thấy tự hào hơn khi nhìn thấy cột mốc đứng sừng sững giữa đất trời biên cương. Cột mốc đó chính là biểu tượng của tinh thần hòa hiếu, hữu nghị và chủ quyền lãnh thổ. Cũng nhờ người dân sinh sống ở vùng biên đã chung tay cùng với các chiến sĩ Biên phòng giữ gìn cột mốc thiêng liêng khẳng định vùng đất, vùng trời với Tổ quốc.

Lê Sen (TTXVN)
Chiến sĩ biên phòng tuyên truyền pháp luật
Chiến sĩ biên phòng tuyên truyền pháp luật

Những năm qua, cùng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Đồn Biên phòng Pò Mã (Lạng Sơn) thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN