Gửi Nghị viện châu Âu thư ngỏ về tình hình Biển Đông

Thông qua bức thư ngỏ này, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn các nghị sĩ châu Âu lên tiếng ủng hộ nguyện vọng chính đáng của người dân Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Ngày 14/3, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Thoại, Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức, cùng đại diện các tổ chức khác của người Việt Nam ở CHLB Đức, Pháp, Bỉ và Anh, đã trao cho bà Barbara Lochbihler - nghị sĩ thuộc nhóm các nghị sĩ đối ngoại phụ trách khu vực Đông Nam Á thuộc Nghị viện châu Âu (EP) bức thư ngỏ về những hành động đơn phương gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua.

Buổi làm việc giữa đại diện Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức, cùng đại diện các tổ chức khác của người Việt Nam ở CHLB Đức, Pháp, Bỉ và Anh cùng nghị sĩ Barbara Lochbihler hôm 14/3 tại Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ.

Buổi làm việc giữa đại diện Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức, cùng đại diện các tổ chức khác của người Việt Nam ở CHLB Đức, Pháp, Bỉ và Anh cùng nghị sĩ Barbara Lochbihler hôm 14/3 tại Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ.

GS-TS Nguyễn Văn Thoại nhấn mạnh Việt Nam dù là một quốc gia nhỏ bé nhưng là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Cùng với bà con trong nước, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài mong muốn một sức mạnh đoàn kết quốc tế để ngăn chặn những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đại diện của Tổng hội người Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam tại Bỉ, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp cũng đều bày tỏ lo ngại về những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông… Thông qua bức thư ngỏ này, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn các nghị sĩ châu Âu lên tiếng ủng hộ nguyện vọng chính đáng của người dân Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Về phần mình, nghị sĩ Lochbihler cho biết vấn đề Biển Đông thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc làm việc, tiếp xúc chung của Ủy ban châu Âu (EC) với các quốc gia Đông Nam Á. Bà Lochbihler bày tỏ mong muốn mọi tranh chấp trên Biển Đông được giải quyết bằng con đường hòa bình.

Trước đó, trong tuyên bố đưa ra ngày 11/3, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Fédérica Mogherini nhấn mạnh EU cam kết duy trì một trật tự pháp lý cho các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong UNCLOS.

Bà Mogherini cũng cho biết EU quan ngại về các hành động vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông, như triển khai các tên lửa, cho rằng hành động này sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực và có thể đe dọa tự do hàng hải và hàng không, đồng thời là một mối lo ngại lớn.

Nghị sĩ Barbara Lochbihler (giữa) nhận bức thư ngỏ.

Do đó, EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hoạt động quân sự trong khu vực, từ việc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực, và tránh những hành động đơn phương. EU khuyến khích sự tham gia nhiều hơn nữa vào các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tìm cách xây dựng niềm tin và an ninh trong khu vực.


Trong thời gian vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như vẫn tiếp tục gia tăng tôn tạo các đảo và bãi đá ngầm thành những cứ điểm quân sự trên Biển Đông.

Ngày 25/2, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Ông Lê Hải Bình khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Tin, ảnh: Hương Giang (P/v TTXVN tại Bỉ)
Nhật Bản và Timor Leste gián tiếp chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Nhật Bản và Timor Leste gián tiếp chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Ngày 15/3, Nhật Bản và Timor Leste đã bày tỏ “vô cùng quan ngại về tình trạng gần đây ở Biển Đông" – sự chỉ trích gián tiếp nhằm vào những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hung hăng của Trung Quốc, trong đó có việc nước này xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN