Hậu phương của lính đảo

Vừa làm mẹ, vừa thay bố chăm sóc gia đình và đảm đang mọi công việc xã hội,… họ là những người vợ - hậu phương vững chắc của những chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Trong căn nhà nhỏ của Trung úy Nguyễn Tân Tiến, chiến sỹ cảnh sát biển công tác tại Hải đội 201, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và cô giáo Nguyễn Thị Hoa, tại phường Vân Phú, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), rộn rã tiếng nói cười. Cô con gái Nguyễn Hương Giang, 3 tuổi, bi bô theo mẹ những câu hát về biển đảo. Chúng tôi hỏi bé: "Bố Tiến đâu con nhỉ, con chỉ cho các cô xem nào". Bé Giang chỉ vào ảnh bố và líu lo: “Bố con là bộ đội, là lính biển…”.

Đằng sau dấu chân những người lính đảo là sự hi sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ - hậu phương.



“Từ khi bé Giang chào đời, cháu mới được gặp bố có mấy lần thôi, mỗi lần bố về, cháu quấn bố lắm, được cái cháu ngoan nên tôi cũng đỡ vất vả…”, chị Hoa tâm sự.

Năm 2010, cô giáo Nguyễn Thị Hoa lập gia đình. Sau lễ cưới, nghỉ hết phép, anh Tiến - chồng chị bắt đầu nhận nhiệm vụ mới nên năm đó là năm đầu tiên, chị Hoa đón cái Tết không có chồng bên cạnh. Cũng vì nhiệm vụ, anh Tiến mỗi năm chỉ về thăm nhà được đôi lần. Cha mẹ chồng già yếu, con thơ dại nên việc lớn nhỏ trong nhà một tay chị Hoa gánh vác. Sự vất vả như nhân lên khi 3 năm gần đây, mẹ chồng chị do bị suy thận và phải chạy thận mỗi tuần 3 lần.
Tới trường Trung học cơ sở Vân Cơ, thành phố Việt Trì, nơi cô Hoa đang công tác, chúng tôi được nghe nhiều giáo viên và học sinh ở đây kể về cô giáo Hoa nhiệt tình và trách nhiệm. Thầy giáo Nguyễn Văn Đào, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Vân Cơ cho biết: Mặc dù hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng cô Hoa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại trường. Nhiều học sinh của cô Hoa đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố. Nhà trường cũng luôn tạo điều kiện để cô yên tâm công tác.

Còn với chị Hoàng Thị Ngọc, khu 2, xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh (Phú Thọ), vợ Trung úy Bùi Hoàng Ngân, hiện đang công tác tại Vùng 4, Hải quân, mỗi lần nhận được điện thoại của chồng từ đảo xa là mỗi lần chị lại hồi hộp như ngày mới yêu.

Chị Ngọc nhớ lại: Cưới nhau được 20 ngày, anh tiếp tục ra đảo nhận nhiệm vụ. Lấy nhau được 10 năm nhưng số ngày hai vợ chồng ở gần nhau tính trên đầu ngón tay. Lật giở từng bức thư của chồng từ khi quen nhau đến giờ, chị cho biết: Ngày trước khi đảo chưa có sóng điện thoại, anh thường hay viết thư về cho chị, sau này có con thì viết thư cho hai mẹ con. Màu mực trong nhiều bức thư đã hoen ố bởi thời gian nhưng chị vẫn giữ gìn, nâng niu, trân trọng như báu vật của cuộc đời mình.

Vài năm trước, chị Ngọc mở một hiệu thuốc gần khu chợ xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Công việc của chị dần đi vào quỹ đạo khiến chị ngày càng bận rộn hơn. Buổi sáng chị tranh thủ làm việc nhà, đưa con đi học, ra cửa hàng. Buổi chiều chị lại tất tả trở về nhà để trông con cho ông bà ra đồng. Tuy khó khăn vất vả là vậy, nhưng chính những lời động viên chia sẻ của mẹ chồng, chồng và sự khôn lớn của hai đứa con đã giúp chị “chân cứng đá mềm”, vượt qua mọi khó khăn trước mắt.

Đằng sau mỗi mùa xuân yên vui, đằng sau từng tiếng cười của các em thơ chính là dấu chân thầm lặng của những người lính đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Và đằng sau dấu chân những người lính ấy chính là sự hi sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ - hậu phương vững chắc, điểm tựa tinh thần để các anh vững vàng nơi biên cương, hải đảo, vì sự bình yên của đất nước.

Vũ Bắc

Nhà văn Hoàng Đình Quang và tình yêu biển đảo
Nhà văn Hoàng Đình Quang và tình yêu biển đảo

Trên con tàu HQ 936 ra thăm Trường Sa vào năm 2012, nhà văn Hoàng Đình Quang đã cho ra đời nhiều tác phẩm kịch, văn xuôi, thơ và cả nhạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN