Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) có 100% học sinh là người dân tộc Bahnar. Việc giáo dục cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các em hiểu được biển, đảo và tầm quan trọng của biển, đảo đối với đất nước gặp nhiều khó khăn. Do đó, các thầy, cô giáo đã thảo luận và hướng đến xây dựng mô hình sa bàn biển, đảo ngay trong khuôn viên nhà trường.
Bắt đầu triển khai vào năm 2016, mô hình sa bàn được nhà trường xây dựng trên diện tích gần 100m2, với thiết kế là bản đồ thu nhỏ của đất nước Việt Nam và khu vực Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cô Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn cho biết, do hầu hết học sinh trong trường là người dân tộc thiểu số nên chưa có kiến thức rõ ràng về biển, đảo. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, kết hợp với các giờ học lịch sử, địa lý, các em được giáo dục thực tiễn thông qua sa bàn biển, đảo, giúp học sinh có cái nhìn trực quan về vị trí địa lí, lãnh thổ vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa yêu quý của đất nước.
Em Y Thơ lớp 3, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn chia sẻ: "Từ khi nhà trường xây dựng mô hình biển, đảo này, em đã hiểu và cảm nhận được biển, đảo là một phần thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Em thấy rất tự hào và sẽ nỗ lực học thật tốt để sau này có thể giúp ích cho đất nước mình ngày càng phát triển".
Trong khi đó, các giáo viên tại Trường Tiểu học thực hành Sư phạm Ngụy Như Kon Tum (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã tự tay thiết kế và vận động nguồn đóng góp từ phụ huynh học sinh để xây dựng cột mốc chủ quyền biển, đảo đặt gần các lớp học.
Cô Lê Thị Hồng Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thực hành Sư phạm Ngụy Như Kon Tum chia sẻ, học sinh trong trường hầu hết đến từ những vùng khó khăn, khó có điều kiện để trực tiếp chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp đẽ về biển, đảo của đất nước. Do đó, tôi đã vận động phụ huynh và giáo viên trong trường cùng đóng góp để xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay trong sân trường. Thông qua mô hình cột mốc, các em có thêm hiểu biết và dễ dàng nắm bắt được những kiến thức về biển, đảo quê hương.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng lồng ghép các tiết mục múa, hát dân vũ về biển, bảo vào những buổi học ngoại khóa để khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Các thầy, cô giáo thường xuyên tuyên truyền cho các em hiểu được những khó khăn, gian khổ mà thế hệ cha ông đi trước đã trải qua để có được một bản đồ đất nước Việt Nam toàn vẹn và phát triển như ngày nay. Thời gian tới, nhà trường sẽ thực hiện tuyên truyền về biển, đảo vào những giờ học ngoại khóa, giúp học sinh có cái nhìn trực quan hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thúc đẩy các em cố gắng học tập, vươn lên, trở thành người có ích, đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh.
Theo ông Đoàn Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, việc tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn vì các em ít có cơ hội tiếp cận tranh ảnh, tài liệu, nên thiếu kiến thức thực tế về biển, đảo. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên chưa được trang bị kiến thức và phương pháp tuyên truyền đầy đủ nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đồng thời, tỉnh tăng cường tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục; đầu tư, bổ sung các mô hình, sa bàn, tranh ảnh về biển đảo cho các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để học sinh dễ dàng tiếp cận.
Ông Đoàn Thành Nhân cho biết thêm, công tác tuyên truyền về vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam luôn được ngành Giáo dục quan tâm, chú trọng. Ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về biển, đảo thông qua các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi dạy lồng ghép trong các môn địa lý, lịch sử, văn học, giáo dục công dân, giúp học sinh nhận thức rõ hơn về chủ quyền biển, đảo và khơi dậy tinh thần yêu biển, đảo quê hương trong thế hệ trẻ.