Khởi sắc từ phát triển kinh tế biển

Trong những năm qua, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định tập trung nguồn lực đẩy mạnh đầu tư, phát triển kinh tế biển và xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn để đánh bắt ở các ngư trường xa bờ, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Vận chuyển cá ngừ đại dương tại cảng Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Huyện Hoài Nhơn có đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ lớn nhất tỉnh Bình Định. Tàu thuyền của huyện này đã có mặt trên khắp ngư trường, với phương tiện đánh bắt hiện đại, bình quân hàng năm khai thác khoảng trên 47.000 tấn hải các loại; trong đó, có trên 8.500 tấn cá ngừ đại dương.

Khai thác cá ngừ đại dương đang là nghề chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao của ngư dân huyện này, chiếm 96% tổng tàu khai thác cá ngừ đại dương toàn tỉnh Bình Định.

 Trong quý 1 năm 2017, sản lượng đánh bắt thủy sản của Hoài Nhơn đạt hơn 8.400 tấn; trong đó, cá ngừ đại dương 3.330 tấn, tăng 1.400 tấn so với cùng kỳ năm 2016. Đồng thời ngư dân trong huyện đã đóng mới thêm 46 tàu cá với tổng công suất gần 300.000 CV.

Ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết, năm 2016, sản lượng khai thác và nuôi trồng hải sản của huyện đạt 47.225 tấn, vượt 102% kế hoạch; giá trị đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2015.

Trong đó, cá ngừ đại dương trên 8.870 tấn, chiếm 95,7% tổng sản lượng cá ngừ đại dương toàn tỉnh; giá trị sản xuất cá ngừ đại dương hàng năm tăng bình quân từ 17 - 19%/năm, chiếm 33,5% tổng giá trị ngành thủy sản của huyện.

Theo ông Thương, đạt được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các chính quyền huyện, xã để triển khai các chính sách khuyến khích khai thác hải sản trên các vùng biển xa bờ; tạo điều kiện cho ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu, mua sắm trang thiết bị hiện đại đáp ứng với trình độ khai thác xa bờ.

Thực hiện Nghị định số 67/2014/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển thủy sản, huyện có 116/140 hồ sơ tàu cá được tỉnh Bình Định phê duyệt (67 tàu vỏ thép, 40 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ composite) vay vốn ưu đãi; trong đó, đã đóng mới hoàn thành bàn giao 17 tàu vỏ thép.

Bên cạnh đó, đã có hơn 1.800 lượt tàu cá đánh bắt xa bờ được hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa với tổng số tiền hơn 350 tỷ đồng.

Nhiều năm nay, ngư dân Hoài Nhơn đã thay đổi phương thức đánh bắt cá ngừ đại dương, từ lối đánh bắt bằng vằng câu truyền thống thay bằng giàn đèn cao áp để dẫn dụ cá; hậu cần nghề cá được đầu tư, phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, việc thành lập các tổ đoàn kết ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong khai thác như hỗ trợ với nhau khi gặp rủi ro, thiên tai hoạn nạn, giảm bớt chi phí, bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.


Thành công tư mô hình này, huyện Hoài Nhơn tiếp tục tuyên truyền vận động ngư dân tình nguyện tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá tại các xã, đồng thời ban hành quy chế hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá nhằm bảo vệ quyền lợi của ngư dân.

Kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hoài Nhơn, giá trị sản xuất hàng năm luôn tăng cao; đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã đạt từ 16-18 tiêu chí; 6 xã đạt từ 11- 14 tiêu chí.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo ngại hiện nay của huyện là việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác chưa đồng bộ, cơ cấu thuyền - nghề chưa hợp lý, khai thác hải sản thiếu chọn lọc, ảnh hưởng đến tái tạo nguồn lợi thủy sản; hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển, bảo quản sản phẩm sau khai thác chưa được chú trọng, do đó giá thành sản phẩm hải sản chưa cao. Ông Cao Thanh Thương cho biết, xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, huyện Hoài Nhơn đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và dịch vụ hậu cần nghề cá, đầu tư nạo vét, khơi thông luồng tàu cửa biển Tam Quan bảo đảm cho tàu cá ra, vào an toàn.

Huyện triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan; thực hiện đề án tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.

Đặc biệt, huyện tiếp tục tích cực triển khai các chính sách phát triển thủy sản để khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá có công suất lớn, đánh bắt xa bờ, gắn sản xuất với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá và các tổ đoàn kết khai thác trên biển. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngư dân bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi khai thác trên biển.

Nguyên Linh (TTXVN)
 Cà Mau cần chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh
Cà Mau cần chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh

Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ trong buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ngày 23/3 về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN