Ở các địa phương vùng ven biển như Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh, huyện Thuận Nam; Thanh Hải, Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; phường Đông Hải, Mỹ Hải, Mỹ Đông, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm…, dễ dàng nhận thấy các bãi rác thải ngay bờ biển do nhiều người vô ý đổ tạo thành.
Ý thức bảo vệ môi trường biển, để biển mang lại sự phồn vinh cho chính họ vẫn chưa hình thành trong tầm nhận thức không ít người dân nơi đây
Tại hai xã Cà Ná, Phước Diêm, huyện Thuận Nam, hai bên đường vào xã thấy toàn rác thải, rác đổ thành đống. Mỗi khi gió to thổi, bãi rác cứ thế hoành hành, bay tứ tung,...
Rác thải dày đặc tại biển cảng Cà Ná, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. |
Mùi hôi nồng nặcÔng Nguyễn Văn Xí, ở xã Phước Diêm nói: Ngay trước cổng vào xã mà họ cũng đổ rác được. Một số người còn chờ lúc trời sắp sáng, trưa vắng hoặc khi vắng bóng người qua lại trên đường là chở bao rác vứt xuống hai bên đường.
Còn ở bãi biển phía Nam của xã, dài hàng kilômét bãi biển từ Đông sang Tây cũng đã trở thành nơi đổ rác. Hễ mùa gió Nam thổi, hầu như ai cũng ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc từ bãi rác thải này bay vào.
Ông Bạch Thuận Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Diêm cho biết, chính quyền xã đã rất tích cực tổ chức tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức về bảo vệ môi trường biển, qua đó để người dân thấy được tác hại của ô nhiễm môi trường biển để thay đổi nhận thức, chung tay bảo vệ môi trường biển.
Tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Bởi hiện nay vẫn còn tới 40% số hộ dân sinh sống ven biển vẫn đổ rác thải vào biển. Chính quyền xã cũng đang tính thực hiện phương án là đặt nhiều thùng đựng rác tại bãi biển để người dân bỏ rác vào đúng chỗ, đúng nơi.
Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, tiến tới thực hiện các chế tài xử lý nghiêm minh để mỗi người dân có trách nhiệm hơn với môi trường biển.
Do địa bàn xa Nhà máy xử lý rác thải Nam Thành nên việc phối hợp với nhà máy này tiến hành thu gom, vận chuyển rác cũng gặp nhiều khó khăn. Xã Phước Diêm cũng không có khu đất để quy hoạch làm bãi chứa rác tập trung.
Chính quyền xã chỉ mong cấp có thẩm quyền sớm có phương án liên kết với lãnh đạo Nhà máy xử lý rác thải Nam Thành giúp địa phương có hướng xử lý, hoặc có thể mời gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa phương để sớm cải thiện tình hình ô nhiễm hiện nay, ông Phú nói.
Mặt biển dày rác thải
Ở cảng cá Cà Ná, ngày nào cũng có hơn nghìn chiếc tàu thuyền sôi nổi cập bến bán buôn hải sản. Do hoạt động sầm uất trên cảng, trên tàu cộng với nhận thức kém về bảo vệ môi trường, xả rác xuống biển nên mặt biển ngày càng dày đặc rác thải nổi. Nước biển chuyển từ trong xanh sang màu đen kèm mùi hôi thối đậm đặc.
Ông Nguyễn Văn Anh Tuấn, Ban quản lý cảng cá Cà Ná cho biết: Ngư dân có thói quen ngày đêm sinh hoạt trên tàu nên lượng rác thải đổ xuống biển rất nhiều. Ban quản lý cảng đã thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, vận động ngư dân cùng nhau giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường biển. Vào thứ năm hàng tuần, Ban quản lý cảng tổ chức cho nhân viên vớt rác tại cầu cảng vừa để giữ vệ sinh vừa làm gương cho cộng đồng.
Cảng cũng đã gắn nhiều biển báo cắm đổ rác, tuyên truyền Quyết định 24 của UBND tỉnh về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên tình hình đổ rác thải xuống biển giảm không đáng kể. Vào ngày 17/9 tới đây, Ban quản lý cảng tiếp tục ra quân thực hiện vệ sinh môi trường biển tại cảng.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền hai xã Cà Ná, Phước Diêm và Đồn Biên phòng mở nhiều đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức huy động người dân có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển.
Xác định kinh tế biển là mũi nhọn, những năm qua các cấp, các ngành ở tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường biển như: Điều tra hiện trạng sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tổ chức các hoạt động “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”; chiến dịch làm sạch biển; nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai; triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Dù vậy nhận thức bảo vệ môi trường biển của người dân, nhất là người dân vùng biển đến giờ vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét.