Ảnh bài viết trên báo Korea Times (bản online) ngày 14/3. |
Tờ "Thời báo Hàn Quốc" (Korea Times) phiên bản tiếng Anh, số ra ngày 14 và 17/3, đã đăng loạt bài về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới góc độ luật pháp quốc tế, trong khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường chữ U”) của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn tùy tiện và không có cơ sở, trong khi Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt pháp lý đối với hai quần đảo này.
Báo trên cho rằng dưới góc độ luật quốc tế hiện đại, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra không có tính ổn định và xác định. Theo các án lệ quốc tế, đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là “tính ổn định và dứt khoát”, vì vậy “đường lưỡi bò” không thể được coi là “biên giới quốc gia”. Mặt khác, cho dù Trung Quốc có tự cho rằng tất cả các thực thể trong “đường lưỡi bò” là thuộc về nước này thì những đảo hay thực thể nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển đều không thuộc về Trung Quốc, kể cả trong trường hợp các thực thể trong quần đảo tranh chấp là đảo và được hưởng các vùng biển như quốc gia đất liền.
Ảnh bài viết trên báo Korea Times (bản in) ngày 17/3. |
Cũng theo tờ "Thời báo Hàn Quốc", Trung Quốc cũng không đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ khu vực Biển Đông một cách liên tục, hoà bình từ xa xưa. Thực tế cũng cho thấy yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Tại Hội nghị San Francisco hồi tháng 9/1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo này. Trong chuyến thăm Đức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3/2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã “tặng” nhà lãnh đạo này một bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ XVIII, do họa sĩ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ năm 1735, cho thấy biên giới phía Nam của Trung Quốc kéo dài đến sát đảo Hải Nam chứ không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tờ báo cũng cung cấp các tư liệu lịch sử cho thấy quá trình Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam. Theo tờ báo này, với tính chất phi lý và ngang ngược của yêu sách “đường lưỡi bò” cùng những hành động khiêu khích, gây hấn và đánh chiếm của Trung Quốc, nhiều quốc gia trong khu vực đã có hành động đáp trả. Tiêu biểu như việc Ấn Độ ngày 24/11/2012 đã cho áp dụng thị thực có in hình bản đồ của mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc, sau khi phát hiện Bắc Kinh in hình hai khu vực Arunachal Pradesh và Aksai Chin (mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền) lên hộ chiếu mới như là một phần lãnh thổ hiển nhiên của Trung Quốc. Philippines cũng đã nộp đơn kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông bất chấp việc Bắc Kinh tìm mọi cách vận động, cô lập Manila và ngăn chặn vụ kiện…