Đặc biệt, đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy chủ động phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan trong đấu tranh chuyên án, vụ án về ma túy.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, hoạt tội phạm ma túy trên tuyến biển đang có những diễn biến phức tạp. Các đối tượng tội phạm đã lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng container tuyến đường biển để trà trộn, vận chuyển ma túy. Hơn nữa, do vùng biển có những đặc thù như: Nhiều sóng gió, thời tiết khắc nghiệt, hạn chế tầm nhìn… nên từ khi phát hiện được phương tiện nghi ngờ cho đến khi áp sát, tiếp cận mục tiêu và đưa lực lượng lên kiểm tra, cần một khoảng thời gian nhất định. Do đó, đối tượng có thể dễ dàng tẩu tán tang vật.
Điển hình như vừa qua, từ thông tin tình báo quốc tế về việc trên vùng biển Việt Nam sẽ có một tàu cá nước ngoài xâm nhập để thực hiện việc giao dịch mua bán một lượng lớn ma túy trên biển, hai tàu cảnh sát biển 40 và 8003 ngay lập tức được lệnh nhổ neo ngăn chặn tàu vi phạm. Đúng thời gian và vị trí tọa độ theo thông tin được báo, lực lượng chức năng phát hiện tàu Kai Shyang- quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) cùng 3 thuyền viên đang xâm phạm vùng biển Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đúng thời điểm này biển động mạnh, những cơn sóng cấp 7, cấp 8 khiến việc tiếp cận tàu vi phạm vô cùng khó khăn.
Phải mất nhiều giờ vật lộn với những con sóng dữ, lực lượng Cảnh sát biển mới tiếp cận được tàu Kai Shyang. Thế nhưng, số lượng lớn ma túy đã không còn tìm thấy trên tàu, dù chủ tàu không thể chứng minh được mục đích xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, lực lượng chức năng đã trục vớt được hàng chục gói heroin trôi dạt trên biển, cách vị trí phát hiện tàu Kai Shyang không xa.
Để ngăn chặn, đẩy lùi việc thẩm lậu ma túy vào Việt Nam bằng đường biển, không để Việt Nam là điểm nóng về ma túy và là nơi trung chuyển ma túy bằng đường biển, thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Quân đội về công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên biển. Đặc biệt, tăng cường hoạt động trên các khu vực biển nhạy cảm về ma túy để kịp thời phát hiện, xác lập, đấu tranh tội phạm ma túy trên biển.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, lực lượng sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật phòng, chống ma túy cho nhân dân, nhất là ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển; chú trọng tuyên truyền phòng ngừa về ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới. Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân, ngư dân về các quy định Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); chú trọng xây dựng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về “Luật Cảnh sát biển Việt Nam”, lực lượng tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy trong công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Chương trình em yêu biển đảo quê hương”.
Đồng thời tăng cường công tác trinh sát năm tình hình; phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và quản lý, giám sát chặt chẽ các phương tiện tàu, thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển trọng điểm (Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nam) và các tuyến vận tải quốc tế (Trung Quốc, Đài Loan, Australia, Nam Mỹ) có điều kiện, khả năng liên quan đến tội phạm về ma túy. Triển khai thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, kế hoạch khảo sát các tuyến, địa bàn vùng biển trọng điểm, phức tạp, hướng tới các các tàu vận tải quốc tế, các doanh nghiệp; tập trung điều tra, đấu tranh các chuyên án, vụ án lớn trên hướng biển.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng và Hải quan thông qua việc triển khai thực hiện các kế hoạch khảo sát, tuần tra trên bộ, trên biển; trao đổi, chia sẻ các thông tin, giám sát các phương tiện tàu, thuyền, các đối tượng nghi vấn liên quan đến tội phạm ma túy; xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy lớn hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia…
Theo Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh pháp luật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, mỗi lực lượng có một thế mạnh riêng, khi phối hợp với nhau sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, lực lượng Cảnh sát biển luôn phối hợp chặt chẽ từ công tác tuyên truyền đến thực hiện các kế hoạch đấu tranh; hỗ trợ lực lượng, phương tiện kỹ thuật trong giám sát đối tượng, tàu thuyền trên biển, trao đổi các thông tin về phương thức, thủ đoạn và các loại ma túy mới; tham mưu xây dựng, tham gia ý kiến các văn bản liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, từ đầu năm đến hết quý II/2022, toàn lực lượng đã đấu tranh triệt phá 152 vụ án, bắt giữ 209 đối tượng; đã khởi tố 63 vụ với đối tượng; phối hợp, bàn giao 89 vụ với 141 đối tượng. Lực lượng chức năng cũng thu giữ tang vật hơn 9 bánh heroin và 530,6908 gram heroin, 61.245 viên và 157,997 kg ma túy tổng hợp, 4,2 gram cần sa, 13 ô tô, 48 xe máy và 309.450.000 đồng cùng nhiều tang vật có liên quan.
Chỉ tính riêng trong tháng cao điểm phòng, chống ma túy năm nay, lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan đấu tranh 45 vụ, bắt giữ 66 đối tượng, trong đó khởi tố 25 vụ với 28 đối tượng, tang vật thu giữ 2 bánh heroin, hơn 105 kg ma túy tổng hợp.
Cũng theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, từ đầu năm đến hết quý II/2022, toàn lực lượng đã tổ chức 34 đợt tuyên truyền phòng, chống ma túy, cấp phát hơn 48.000 tờ rơi các loại cho hơn 20.000 lượt người; trao tặng 2.300 sách pháp luật, 500 quyển Luật Phòng, chống ma túy, gần 3.300 cờ Tổ quốc, 150 áo phao, 6 ti vi, 28 xe đạp, 15 triệu đồng, 20 suất quà. Đồng thời với đó, lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền về “Luật Cảnh sát biển Việt Nam” cho ngư dân và nhân dân.