Theo ABC News, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Colin Willett ngày 22/6 đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí châu Á qua điện thoại, trong đó bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh hỗ trợ tàu cá đánh bắt ở Biển Đông, trong đó có cả quần đảo Natuna của Indonesia.
Theo bà Willett, hành động này cho thấy Trung Quốc đang cố gắng thực thi những tuyên bố chủ quyền có thể không hợp pháp và coi đây là những hành động khiêu khích, có thể gây bất ổn.
Quan chức ngoại giao Mỹ cho biết quyết định sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) có thể đưa ra “rất nhiều thứ rõ ràng” liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông để có thể giúp các nước có yêu sách tham gia thu xếp để tránh những xung đột tiềm tàng.
Bà cho rằng phán quyết sắp đưa ra trong vài tuần tới sẽ đóng vai trò là điểm xuất phát cho các đàm phán ngoại giao. Bà nói: “Chắc chắn là chúng tôi sẽ kêu gọi chính phủ các nước thực hiện kiềm chế và sử dụng thời gian sau khi có phán quyết của tòa như là cơ hội để bắt đầu các trao đổi ngoại giao”.
Ngày 23/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thăm quần đảo Natuna nhằm khẳng định cam kết bảo vệ chủ quyền ở khu vực rìa Biển Đông. Tổng thống Widodo được tháp tùng bởi các quan chức an ninh hàng đầu đã đi thăm vùng biển này bằng chính chiếc tàu chiến đã bắn cảnh cáo các tàu cá và bắt giữ ngư dân Trung Quốc hồi tuần trước.
Liên quan tới vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Những hành động của Trung Quốc như lấn biển, đưa du khách ra đảo tham quan, xây đường bây trái phép.... đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).