Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có một số chủ tàu xin rút không tham gia chương trình nên tổng số tàu đóng mới, nâng cấp còn lại đến thời điểm này chỉ là 7 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp, tất cả đều làm nghề dịch vụ hậu cần.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Cao Văn Viết cho biết, nguyên nhân số tàu đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 ở Bến Tre còn ít là do đặc thù nghề cá Bến Tre có khoảng 80% ngư dân làm nghề lưới kéo (cào), trong khi đó, Nghị định 67/2014/NĐ - CP không cho phép vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá đối với nghề lưới kéo.
Đóng mới tàu đánh bắt cá xa bờ. Ảnh: Viết Ý/TTXVN |
Bên cạnh đó, cũng còn có một nguyên nhân khác mà ngư dân không “mặn mà” tham gia vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP như: các chủ tàu đóng mới không được hoàn thuế VAT mà các cơ sở đóng tàu thì được khấu trừ; chỉ miễn thuế trước bạ đối với tàu đóng mới khai thác thủy sản, còn tàu đóng mới dịch vụ hậu cần nghề cá thì không, nên chưa thu hút được nhiều ngư dân đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Điểm đáng chú ý nữa là ngư dân Bến Tre ít đăng ký đóng mới tàu cá vỏ thép hay vật liệu mới, do ngư dân có truyền thống sử dụng tàu cá vỏ gỗ. Ngư dân cho rằng vận hành tàu cá vỏ thép đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao.
Đến nay, tỉnh Bến Tre cũng đã chi hỗ trợ hơn 45,5 tỷ đồng, hỗ trợ bảo hiểm cho 1.809 tàu cá và hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu dịch vụ hậu cần hơn 20,5 tỷ đồng.