Ngư dân tin tưởng hiệu quả chương trình hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt

Chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt khai thác và đánh đánh bắt thủy hải sản xa bờ trong gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ mang đến nhiều hi vọng, tin tưởng cho ngư dân. Nhiều ngư dân ở Thừa Thiên - Huế mong muốn chương trình sớm được triển khai hiệu quả nhất, nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân, nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

 

Hoàng Anh 01- con tàu đánh cá vỏ sắt đầu tiên của ngư dân Quảng Ngãi, công suất 900CV.

 

Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang là một trong những địa phương có số ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đội tàu xa bờ của xã hiện có 59 chiếc có công suất từ 120 - 420 CV. Những ngày này, khi nghe thông tin về nguồn vốn hỗ trợ đóng tàu sắt ra khơi bám biển, nhiều ngư dân ở đây rất hào hứng và mong chờ chương trình sớm được triển khai. Có được tàu vỏ sắt với các phương tiện hiện đại, ngư dân càng yên tâm bám biển, mở rộng khai thác ở những ngư trường xa.

 

Ngư dân Nguyễn Văn Quyết, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với kinh nghiệm đi biển hơn 30 năm cho biết: Được nhà nước hỗ trợ vay vốn là điều người dân rất mong muốn. Trước đây, năm 1997 nhà nước cũng có chủ trương cho ngư dân vay vốn để đánh bắt cá xa bờ, tuy nhiên chương trình không mang lại hiệu quả như mong muốn. Để tránh điều này, theo tôi, những đơn vị thiết kế tàu cần về từng địa phương kết hợp với ngư dân để tìm kết cấu tàu phù hợp từng ngành, nghề của từng vùng. Mặt khác, một khó khăn mà ngư dân gặp phải là thủ tục vay vốn rất rườm rà, chúng tôi đề xuất các ngành chức năng giải quyết thủ tục nhanh gọn, nên tổ chức một bộ phận tư vấn đứng ra giao dịch với cơ quan nhà nước để ngư dân sớm nhận được nguồn vốn.

 

Hiện nay, ngư dân trên địa bàn xã Phú Thuận cũng gặp khó khăn khi âu thuyền Phú Thuận, nơi đậu và tránh trú bão cho tàu trên địa bàn đang bị hư hỏng nặng, nhiều nơi bị xói lở trầm trọng. Hơn nữa, cửa vào âu thuyền rất cạn, luồng lạch không ổn định, tàu thuyền ra vào phải đợi khi thủy triều lên.

 

Ngư dân Nguyễn Văn Quyết kiến nghị: Để tạo thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành có biện pháp sữa chữa, nạo vét luồng lạch thường xuyên để tàu lớn, mà đặc biệt là tàu sắt có thể ra vào. Nếu âu thuyền Phú Thuận không được sửa chữa, nạo vét thì việc đóng tàu sắt đối với ngư dân ở đây là không phù hợp.

 

Việc đóng tàu sắt hướng đến việc nâng cao lợi ích và đảm bảo an toàn cho ngư dân, nhưng để đóng một con tàu vỏ thép, chi phí rất cao. Trong khi đóng 1 tàu gỗ chi phí khoảng 2 - 3 tỷ đồng, thì đối với tàu sắt phải mất 6 - 7 tỷ đồng nên nhiều ngư dân lo ngại không đủ vốn hoặc phải vay mượn thêm để đóng tàu. Anh Ngô Văn Khuyến, cán bộ Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Vang cho biết: Đối với tàu gỗ, khi biển động, gió cấp 5, cấp 6 đã gặp nguy hiểm, nếu có tàu sắt, ngư dân sẽ an toàn và yên tâm vươn khơi xa. Tuy nhiên, đóng tàu sắt chi phí rất cao. Chính phủ nên hỗ trợ 100% vốn để ngư dân yên tâm đóng tàu và làm ăn để hoàn vốn. Tàu sắt cần được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ tốt nhất cho quá trình vận hành, thăm dò, liên lạc thông tin với đất liền cũng như với các tàu xung quanh. Cơ quan chức năng cần tham khảo ý kiến ngư dân từng địa phương để có mẫu tàu phù hợp.

 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 260 chiếc tàu xa bờ. Sản lượng khai thác và đánh bắt thủy sản khoảng đạt 35.000 – 37.000 tấn/ năm với giá trị 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động nghề cá ở tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu vốn; hạ tầng của hệ thống cảng cá, dịch vụ nghề cá còn quá thô sơ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nghề cá hiện nay, số lượng tàu thuyền nhiều nhưng mã lực thấp....

 

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên - Huế cho biết: Một trong những hạn chế của tỉnh trong lĩnh vực đánh bắt xa bờ là số lượng tàu thuyền công suất lớn chưa nhiều. Toàn tỉnh chỉ có 32 chiếc tàu có công suất trên 400 CV, vì vậy việc đóng mới và nâng cao công suất tàu là điều mà nhiều ngư dân mong muốn. Có thể nói rằng, chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt để khai thác hải sản là một việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện việc hỗ trợ, đề nghị ngành ngân hàng phải quyết liệt trong việc giải ngân, cho vay vốn đúng đối tượng, nhanh chóng chính xác, kịp thời để người dân nhanh chóng phát triển sản xuất.

 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên - Huế: Để đảm bảo an toàn cho ngư dân ra vào cửa biển, việc nạo vét cần được các ngành chức năng, các cấp chính quyền triển khai hàng năm; cần phát triển cơ sở hạ tầng như cảng cá, bến cá, các cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu cá. Nếu phát triển tàu sắt, cần có cơ sở để duy tu bảo dưỡng tàu sắt hàng năm. Nếu giải quyết phát triển tàu cỡ lớn, nhất là tàu sắt, cần giải quyết đồng bộ hậu cần nghề cá.

 

Hiện nay, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên - Huế đang chuẩn bị tổ chức hội nghị giới thiệu về tàu vỏ sắt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thêm thông tin, lựa chọn giải pháp đầu tư, giúp ngư dân phát triển sản xuất có hiệu quả, và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề khai thác thủy sản xa bờ.

 

Tường Vi

Ra mắt gói cước điện thoại dành riêng cho ngư dân
Ra mắt gói cước điện thoại dành riêng cho ngư dân

VinaPhone đã chính thức công bố gói cước "Biển đảo" dành riêng cho ngư dân, hỗ trợ ngư dân bám biển, giữ vững ngư trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN