33 ngư dân Việt Nam được phía Indonesia hoàn thành các thủ tục xuất cảnh và trao trả về nước tại cửa khẩu sân bay quốc tế Sukarno Hatta, Jakarta ngày 26/5/2016. Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN |
Những ngày cuối năm 2016, phóng viên TTXVN tại Indonesia có chuyến công tác thăm các ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ do vi phạm vùng biển của Indonesia ở đảo Tanjung Pinang và đảo Batam. Những số phận, những con người vì mưu sinh mà lênh đênh trên biển xa, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là mong bám biển để được biển nuôi sống, và lúc này tất cả họ đều mong mỏi từng ngày từng giờ để được trả tự do.
Hầu hết các ngư dân này là những người làm thuê trên các tàu đánh bắt xa bờ. Họ lên tàu là chỉ biết công việc của mình, câu cá, đánh lưới, thả cào… còn tàu đi đâu, có hợp pháp hay không thì chỉ tài công và thuyền trưởng biết. Khi bị Indonesia bắt giữ, tài công và thuyền trưởng bị kết án nặng hơn so với các thủy thủ, theo quy định của luật pháp Indonesia, họ có thể bị tù giam từ 6 tháng đến hơn 5 năm.
Ngư dân Trần Cường, quê Quảng Ngãi, bị giam ở trại Tanjung Pinang cho biết: "Tôi là tài công phụ, đi theo người ta để kiếm ăn, chúng tôi cũng không biết là đã vi phạm vào vùng biển của bạn. Những giấy tờ liên quan của anh em chúng tôi toàn bộ do chủ tàu chuẩn bị. Chúng tôi chỉ biết mang theo". Ngư dân Nguyễn Văn Phú, quê ở Kiên Giang là thuyền trưởng, bị bắt vào tháng 3/2012, bị kết án tù 5 năm 3 tháng. Theo Bộ luật mới của Indonesia, ông Phú được giảm trừ 7 tháng, tổng cộng ông phải ở tù 4 năm 10 tháng.
Thực tế là tình trạng ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển Indonesia và bị bắt giữ trong thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp. Số lượng ngư dân bị phía Indonesia bắt gia tăng đột biến so với các năm trước. Chỉ tính riêng năm 2016, số lượng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ đã lên tới gần 1.100 người, tăng gấp rưỡi so với con số 700 ngư dân năm ngoái. Số ngư dân bị bắt giữ năm 2015 cũng đã tăng gấp khoảng 3 lần so với từ năm 2014 trở về trước, khi con số này trung bình mỗi năm chỉ khoảng từ 200-250 người.
Tại trại giam của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đảo Tanjung Pinang, ông Achmadin Kurniawan, người đứng đầu bộ phận giám sát nhập cư đảo Tanjung Pinang cho biết: "Trong năm nay, số ngư dân Việt Nam bị đưa đến đây giam giữ tăng lên nhiều so với những năm trước, hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện một số thủ tục hồ sơ và chờ vé máy bay để có thể trao trả họ về nước".
Trong năm 2016, phía Indonesia đã trao trả cho Việt Nam hơn 1.000 ngư dân. Số tàu thuyền bị phía Indonesia bắt cho đến nay là 98 chiếc, tất cả đều bị tịch thu để xử lý theo luật pháp Indonesia. Một thực tế khác là trong khi số ngư dân Việt Nam bị bắt tăng thì số ngư dân các nước láng giềng của Indonesia bị bắt có xu hướng giảm như Myanmar, Thái Lan, Philippines, Malaysia...
Ông Akhmadon, Trưởng trại giam tại đảo Batam cho biết: "Hiện nay chúng tôi đang giữ ở đây 26 tàu thuyền và 120 ngư dân Việt Nam. Có cả các vụ vi phạm của Malaysia, nhưng nhiều nhất vẫn là ngư dân Việt Nam. Con số này trong năm nay đã tăng lên nhiều. Chúng tôi đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam hoàn thiện các thủ tục để có thể sớm trao trả các ngư dân này cho phía Việt Nam".
Trong chuyến công tác thăm ngư dân Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Những lần đi công tác ở đây tôi đều đến thăm những nơi có ngư dân của chúng ta bị bắt. Cảm xúc lần này của chúng tôi và của đoàn nhìn chung buồn hơn những lần trước khi tôi đến Batam. Số lượng ngư dân của chúng ta bị bắt quá nhiều, không giảm. Lần trước chúng tôi đến đây có cả ngư dân của các nước Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Philippines bị bắt. Lần này không thấy có ngư dân của Philippines, Malaysia, Thái Lan chỉ có 2 người, còn chủ yếu là ngư dân Việt Nam. Điều này cho thấy việc ngư dân của chúng ta sang đánh bắt cá ở vùng biển của Indonesia không giảm mà có sự gia tăng rất lớn trong thời gian qua”.
Ngư dân bị bắt gia tăng, công việc bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia càng thêm nặng nề, thậm chí là quá tải với những nỗ lực nhằm mau chóng đưa các ngư dân về nước.
Sống trong những trại giam nơi đất khách quê người, mặc dù được đối xử nhân đạo, nhưng dễ hiểu là các ngư dân bị giam giữ đang đếm từng ngày, từng giờ để được tự do và trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, người thân và tiếp tục làm ăn, nhất là trong thời điểm năm cũ sắp qua, năm mới đang đến và Tết cổ truyền dân tộc cũng đang đến gần.