Đại sứ Trương Mạnh Sơn trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Hồng Tâm |
Đại sứ Trương Mạnh Sơn nêu rõ: Ngày 12/7/2016 tại La Haye (Hà Lan) PCA đã đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra. Theo đó, Tòa kết luận không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”; bãi bỏ chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông; bác bỏ các yêu sách khác của Trung Quốc cũng như lên án quốc gia này tàn phá nguồn tài nguyên sinh thái trên Biển Đông và tạo nguy hiểm đối với các tàu thuyền của các nước khác trên vùng biển này.
Việt Nam hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết ngày 12/7. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi PCA: Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.
Có thể nói, phán quyết của PCA là thắng lợi không phải chỉ của Philippines, mà còn là thắng lợi của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, là thắng lợi của công lý, chính nghĩa, của xu thế hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.
Như phóng viên TTXVN đã phản ánh, ngày 14/7 tờ báo mạng Hálo Noviny đã đăng tải bài báo ký tên Ondrej Kosina. Bài báo lặp lại quan điểm của Trung Quốc, cho rằng cách đây 1.200 năm “từ đời nhà Đường Trung Quốc đã thực hiện quyền tài phán trên Biển Đông”, “các nước láng giềng khiêu khích Trung Quốc, gây căng thẳng trên Biển Đông”… Đại sứ Trương Mạnh Sơn không đồng tình với nội dung bài báo và nhấn mạnh: “Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Cùng ngày, Hội Người Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Phật tử, Hội Văn hóa Nghệ thuật, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại CH Séc và Hội Người Séc gốc Việt đã gửi thư tới tòa soạn báo Hálo Noviny để phản đối bài báo xuyên tạc tình hình Biển Đông. Bức thư khẳng định rằng Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam và ngày 12/7 Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết không công nhận “chủ quyền lịch sử” mà Trung Quốc tự nhận trên Biển Đông.
Bức thư kết luận: “Chính vì thế, thưa quí tòa soạn, chúng tôi yêu cầu tòa soạn đăng Lời phản đối của chúng tôi chống lại bài báo nói trên trên trang mạng của Quí báo, vào đúng chuyên mục mà quí báo đã đăng bài báo “Căng thẳng gia tăng trong mâu thuẫn về biển Nam Trung hoa“ và thông tin tới công chúng Séc số liệu cụ thể, đúng sự thật về tranh chấp trong khu vực Biển Đông cũng như quan điểm của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại CH Séc về bài báo nêu trên”.