Từ ngày 15 - 24/4, Bộ Tư lệnh Vùng 4, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức Đoàn công tác của một số bộ, ngành Trung ương, địa phương đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức khám, xét nghiệm sàng lọc, chọn những cán bộ, chiến sỹ có cùng nhóm máu O để lập danh sách thành lập Ngân hàng máu sống tại 5 đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa.
Chiến sỹ Trương Đức Thành, 20 tuổi, đang làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây cho biết: “Em rất vui khi được tham gia buổi xét nghiệm hiến máu thành lập Ngân hàng máu sống tại Quần đảo Trường Sa.
Ngay từ sáng sớm, em đã cùng các chiến sỹ trên đảo đến xếp hàng lấy máu xét nghiệm, sàng lọc chọn nhóm máu thích hợp để tham gia Ngân hàng máu sống. Đối với em, hạnh phúc nhất là khi được chia sẻ nguồn máu cứu người, mang lại sự sống cho đồng đội của mình”.
Trung tá, Trạm trưởng Trạm Quân y đảo Trường Sa Lớn Trương Đức Cường cho biết, năm 2016, Ngân hàng máu sống được triển khai thử nghiệm tại huyện đảo Trường Sa.
Mặc dù mới được thí điểm trên đảo nhưng Ngân hàng máu sống phát huy hiệu quả thiết thực, nhờ đó đã chủ động nguồn máu sống dự trữ trên các đảo và điểm đảo tại Quần đảo Trường Sa.
Từ nguồn máu sống dự trữ, Trạm Quân y đảo Trường Sa Lớn đã mổ thành công nhiều ca phức tạp, cứu sống nhiều bệnh nhân gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ.
Điển hình là năm 2016, Trạm Quân y Đảo Trường Sa Lớn đã kịp thời mổ, cứu sống Trung úy Nguyễn Đức Lợi, tầu Kiểm ngư 202 bị viêm phúc mạc do viêm ruột thừa hoại tử. Sau 3 giờ mổ, tiếp máu liên tục, kíp mổ gồm 10 người do bác sỹ Trương Đức Cường trực tiếp tham gia đã thành công hơn mong đợi. Sau 7 ngày điều trị, Trung úy Nguyễn Đức Lợi đã dần hồi phục, xuất viện trở lại làm nhiệm vụ.
Bác sỹ Cường cho biết, nếu không có nguồn máu sống tại chỗ, ca mổ không thể thực hiện được, bởi lúc đó bệnh nhân đã hôn mê, sốt cao, chỉ chậm khoảng 3 giờ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Từ năm 2016 đến nay, Trạm Quân y Đảo Trường Sa Lớn còn mổ thành công thêm nhiều ca cấp cứu khác như ca mổ cho chiến sỹ Nguyễn Thanh Phương, 19 tuổi, tại đảo Trường Sa bị tai nạn nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân phải truyền liên tục 3 lít máu lấy từ Ngân hàng máu sống. Nhờ được mổ cấp cứu kịp thời, chiến sỹ Nguyễn Thanh Phương đã qua nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Trạm Quân y còn mổ thành công cho một ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị đau ruột thừa khi đang đánh bắt cá tại Quần đảo Trường Sa và một ca mổ đẻ cho thai phụ đang sinh sống tại đảo Trường Sa….
Theo Thượng tá, bác sỹ quân y thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4, các cán bộ, chiến sỹ tại Quần đảo Trường Sa phải luyện tập trên điều kiện hết sức khắc nghiệt, rất dễ xảy ra tai nạn bất ngờ; ngư dân đã bám biển khai thác cá trên Quần đảo Trường Sa thường xuyên gặp sự cố tai nạn gây thương tích.
Khi chưa có Ngân hàng máu sống, việc dự trữ máu tại Trường Sa rất khó khăn do không có nơi bảo quản, lưu trữ máu. Nhiều khi lượng máu vận chuyển ra đảo không phù hợp, chỉ bảo quản được 35-40 ngày sau đó sẽ bị hỏng, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh, nhất là các ca mổ khó.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Năm 2016, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã triển khai thí điểm Ngân hàng máu sống tại huyện đảo Trường Sa. Do nhu cầu thiết thực, năm 2017, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương quyết định mở rộng Ngân hàng máu sống tại Quần đảo Trường Sa.
Việc thành lập Ngân hàng máu sống tại Quần đảo Trường Sa có ý nghĩa thiết thực, giúp dự trữ nguồn máu sống ngay trên các đảo, chủ động trong mọi tình huống, khi gặp nạn chỉ cần báo cho Ngân hàng máu sống, máu sẽ được truyền trực tiếp cho bệnh nhân.
Những năm gần đây, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương triển khai nhân rộng mô hình Ngân hàng máu sống tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo xa xôi, mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững như ở đảo Bạch Long Vĩ, đảo Phú Quốc (Kiên Giang); đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); huyện Si Ma Cai (Lào Cai); huyện Đồng Văn (Hà Giang)…
Thực tế đã chứng minh đây là phương án tối ưu nhất để có nguồn máu an toàn, khi cần huy động khẩn cấp ở những nơi có địa hình phức tạp không thể cung cấp máu kịp thời hoặc vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên…