Những kết quả nghiên cứu đã đưa ra những hiểu biết cơ bản, tạo dựng cơ sở khoa học quan trọng giúp định hướng nghiên cứu tiếp theo và đề xuất các giải pháp phòng chống xói lở dải ven biển Việt Nam.
Trong đó, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã dày công nghiên cứu đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình bồi, xói vùng cửa sông, ven bờ từ tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Phú Yên. Kết quả nghiên cứu đã nêu ra được nguyên nhân dẫn đến xói lở bờ biển tại khu vực này và đề xuất các giải pháp phòng chống phù hợp.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu 2 bài viết làm rõ vấn đề chống xói lở bờ biển khu vực Nam miền Trung.
Vùng biển miền Trung là nơi hứng chịu nhiều thiên tai như bão, lũ, hạn hán, hoang mạc hóa, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển … Đặc biệt, xói lở bờ biển trong thời gian gần đây ở dải ven biển từ tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Phú Yên đã và đang xảy một cách dữ dội, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Vì vậy, việc bảo vệ và phòng chống xói lở bờ biển nơi đây đang trở thành một đòi hỏi cấp bách, trước sự tập trung dân số và nhịp độ, quy mô phát triển kinh tế - xã hội ở dải ven biển này đang tăng mạnh theo xu thế phát triển chung của đất nước.
Tai biến xói lở gia tăng
Xói lở biển là một hiện tượng phổ biến ở ven bờ cả 3 miền của nước ta, với 397 đoạn có tổng chiều dài trên 920 km, trong đó khu vực miền Trung xói lở xảy ra ở 233 đoạn có tổng chiều dài lên đến 492 km. Riêng dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên có 65 khu vực gồm 105 đoạn bờ biển bị xói lở.
Theo kết quả điều tra và tính toán của nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý và Trường Đại học Quy Nhơn, bờ biển thuộc tỉnh Quảng Nam có 20 đoạn xói lở gần 19 km; tỉnh Quảng Ngãi có 27 đoạn trên 35 km; Bình Định có 33 đoạn gần 34 km và tỉnh Phú Yên có 25 khu vực bị xói lở gần 21 km.
Nhìn chung, quá trình xói lở đang diễn ra trên hầu hết bờ biển tại địa bàn của 4 tỉnh Miền Trung này, nhưng quy mô và cường độ khác nhau. Các khu vực bờ biển bị xói lở mạnh nhất tập trung tại 3 tỉnh là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên. Quá trình xói lở đang diễn ra tại hầu hết các kiểu cấu tạo bờ là sỏi cát, bùn sét, bùn, cát…Song chủ yếu là bờ cát chiếm 94% tổng số đoạn bờ biển bị xói lở.
Ngay cả 32 đoạn bờ biển có công trình chỉnh trị như đê, kè, đóng cọc, trồng rừng…nhưng vẫn tiếp tục bị xói lở như khu vực Cửa Đại tỉnh Quảng Nam, cửa Đề Gi của tỉnh Bình Định. Nhiều đoạn bờ biển có nền đá gốc được bồi đắp bằng vật liệu cát, mảnh vụn san hô, vỏ trai, ốc…hiện cũng bị xói lở như Cửa Lở tỉnh Quảng Ngãi, của Đà Nông tỉnh Phú Yên.
Tai biến xói lở dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên ngay càng gia tăng, nhất là từ những năm cuối thế kỷ 20 trở lại đây. Quá trình xói lở chủ yếu xảy ra ở những đoạn bờ biển thẳng với hướng sóng gió, vật chất cấu tạo bờ đều là những vật liệu bở rời và các khu vực chưa có các công trình gia cố phòng chống.
Xu thế diễn biến và hậu quả
Phân tích về nguyên nhân xói lở bờ biển, Tiến sĩ Đào Đình Châm, Viện Địa lý cho rằng, bờ biển là một hệ thống động lực, tồn tại ở 3 trạng thái là bồi tụ, ổn định và xói lở phụ thuộc vào cân bằng giữa nguồn bồi tích đưa đến và mang đi, dưới tác động của các yếu tố ngoại sinh thường xuyên biến đổi trên nền tác động chậm chạp, lâu dài của yếu tố nội sinh.
Nguyên nhân trực tiếp của quá trình xói lở thông qua các tác nhân sóng, thủy triều và dòng chảy, đóng vai trò di chuyển gây thiếu hụt bồi tích và trực tiếp phá bờ. Về cơ bản, xu hướng gia tăng thiên tai và xói lở ở dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên gần đây, là do những biến động bất thường về khí hậu và tác động ngày càng tăng của hoạt động do con người gây nên.
Nhiễu động về khí hậu thủy văn có vai trò quan trọng đối với sự gia tăng xói lở ở dải ven biển Nam Trung Bộ. Đó là sự thay đổi về phân bố, gia tăng về số lượng, cường độ và tính thất thường của bão gây sóng lớn và nước dâng theo bão. Dao động mực nước là tác nhân quan trọng gây xói lở bờ biển, do tạo ra cơ chế di chuyển ngang bồi tích và tái tạo trắc diện ngang bờ bởi quá trình trong lực. Đó là các dạng dâng cao mực nước biển vì khí hậu trái đất ấm lên, các pha kỳ dao động triều, nước dâng trong bão và gió mùa.
Xói lở bờ biền tại khu vực này tăng lên còn có lý do là chịu tác động lớn của hoạt động nhân sinh như đắp đập ngăn sông, đào kênh tưới tiêu và thoát lũ; quai đê lấn biển, phá rừng ngập mặn, hủy hoại hệ sinh thái rạn san hô; khai thác sa khoáng làm vật liệu xây dựng gây thiếu hụt, thay đổi cân bằng và phân bố bùn cát ven bờ. Xói lở gia tăng còn do xây dựng các công trình ở những nơi bờ chịu động lực của sóng biển mạnh, bờ biển chưa ổn định và còn biến động, tiêu biểu như ở Cửa Đại (Quảng Nam) hiện nay.
Có thể nói, xói lở bờ biển ở dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên rất phức tạp, tùy điều kiện cụ thể, về bản chất liên quan đến 2 dạng thiếu hụt bồi tích. Thứ nhất là do bồi tích thiếu hụt khi lượng di chuyển đến nhỏ hơn lượng bị chuyển đi, cơ chế di chuyển chủ yếu dọc theo bờ ở một số cửa sông Cửa Đại, cửa Đề Gi, cửa Đà Diễn.
Thứ hai là do phân bố lại bồi tích để tạo cân bằng trắc diện mới, thường là do di chuyển ngang bồi tích ra vùng sâu. Trong tương lai, những trọng điểm xói lở ở dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú yên vẫn là những nơi thuộc Cửa Đại, Cửa Lở, Sa Huỳnh, cửa Đề Gi, đầm Thị Nại, của Đà Diễn, Cửa Lở. Tốc độ xói lở có thể tăng 10-30% vào 20-50 năm tới.
Hậu quả của xói lở bờ biển và bồi tụ cửa sông gây ra hậu quả nặng nề về sinh mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và đất đai. Đồng thời còn gây nên những tai biến ven bờ và làm suy thoái môi trường sinh thái như ngập lụt, ngọt hóa, nhiễm mặn, nhiễm bẩn và mất môi trường sống của các loài sinh vật.
Hiện tại, nhiều điểm dân cư, khu kinh tế quan trọng dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên nằm trên vùng bờ cát, nên rất nhạy cảm và xói lở bất thường khi có nhiễu động lớn về bão, lũ. Vì vậy đã có tới 4.000 hộ dân của 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên phải di dời do xói lở bờ biển. NHiều điểm dân cư vẫn đang nằm trong tình trạng nguy hiểm như Duy Hải (Quảng Nam), NGhĩa An, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).