Giai đoạn 2011 - 2015, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, dân số trên địa bàn huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng nhanh ở mức trên 2%/năm. Dân nhập cư, lao động phổ thông cũng có chiều hướng tăng mạnh, dẫn đến dân số sinh học tăng, khiến trường lớp quá tải, đặc biệt là ở cấp học mầm non và tiểu học.
Theo tính toán của ngành giáo dục huyện, số học sinh của các cấp học tăng từ 1,7 - 2,9 lần. Tuy nhiên, từ năm 1998 đến nay, hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện hầu như không tăng về số phòng học.
Hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn huyện đảo đều trong tình trạng quá tải và không còn khả năng tiếp nhận học sinh.
Cụ thể, cấp mầm non chỉ có 2 trường được xây dựng từ năm 1998 và năm 2007, với 19 nhóm/lớp, trong khi nhu cầu đang cần thêm ít nhất 15 nhóm/lớp.
Các trường cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được xây dựng từ năm 1998 đến nay và ở các cấp học đang thiếu từ 5 - 6 phòng học.
Cô Phạm Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương, huyện Côn Đảo cho biết, hiện trường có 9 nhóm/lớp, nhưng phải đảm bảo cho 17 nhóm/lớp. Đầu năm học 2016 - 2017, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu nhà trường phải mở thêm lớp để đảm bảo nhu cầu cho trẻ đến trường. Nhà trường đã phải trưng dụng cả phòng vi tính của trường để cải tạo, tiếp nhận thêm được 2 nhóm/lớp.
Theo quy định và thiết kế, công suất 1 nhóm/lớp tiếp nhận 25 trẻ, nhưng bây giờ sĩ số đã là 40 trẻ và để khắc phục, nhà trường đã phải ngăn đôi phòng để tiếp nhận đủ số trẻ. Khó khăn đó kéo theo những bất cập khác như chăm sóc giáo dục bị hạn chế, áp lực đối với giáo viên tăng cao…
Bên cạnh đó, do đặc thù của huyện đảo (Côn Đảo chỉ có đơn vị hành chính cấp huyện và không có xã, phường) với dân cư phần lớn chỉ tập trung sinh sống quanh khu Trung tâm hành chính của huyện (trong bán kính khoảng 3 km vuông) nên các trường học chủ yếu đặt tại ngay Trung tâm.
Ở các khu dân cư, hộ dân sống rải rác cách xa Trung tâm huyện, việc đưa con em đi học rất vất vả. Chị Đỗ Thị Tưởng sống ở Khu dân cư số 1 (gần sân bay Cỏ Ống, huyện Côn Đảo) có con đang theo học tại Trường mầm non Hướng Dương chia sẻ: "Nhà tôi cách trường 14 km, có nhiều đoạn ở lưng chừng núi và sâu dưới chân núi là biển nên vào mùa gió chướng hoặc mùa mưa, gió quật mạnh, đưa cháu đến trường vô cùng vất vả, nguy hiểm. Nhiều hôm phải nhờ người thân ra hỗ trợ để đưa cháu về, hoặc phải cho cháu nghỉ học".
Cô Trương Thị Khuyên, giáo viên Trường tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo cho biết, năm học 2016 - 2017 số học sinh tăng, dẫn đến số lớp học cũng tăng. Trường phải tận dụng các phòng, nhà kho và ngăn cả hội trường để làm phòng học. Dự kiến, trong năm học 2017 - 2018, số lượng học sinh tiếp tục tăng, nên ngay cả việc xây bổ sung cho trường 2 phòng học và 4 phòng chức năng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Thầy Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo thừa nhận, những năm qua, công tác đầu tư và phát triển trường lớp chưa theo kịp đà phát triển kinh tế - xã hội của huyện, dẫn đến tình trạng quá tải ở các cấp học, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Do đặc thù của địa phương, công tác xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư thêm cho Côn Đảo một trường mầm non và một trường tiểu học bằng ngân sách của tỉnh, nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để bài toán quá tải trường lớp trong tương lai.
Theo đó, thầy Nguyễn Văn Mạnh cho biết, Phòng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tham mưu cho lãnh đạo huyện kiến nghị với tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư dài hạn để phát triển giáo dục Côn Đảo đảm bảo khoa học, có bước đi và lộ trình phù hợp, vừa tạo ra những đột phá mới nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định, bền vững.