Tàu cá của ngư dân Quảng Trị khai thác hải sản. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Công tác điều tra cơ bản phải đi trước một bước
Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có vai trò hết sức quan trọng trong quản lý khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngày 9/2/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã khẳng định điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển phải đi trước một bước làm cơ sở khoa học cho phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng.
Trước đó, ngày 1/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 47/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó cũng khẳng định công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển phải đi trước một bước để đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quy hoạch và đường lối chính sách phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng và an ninh vùng biển. Đến nay đã có 45 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai, trong đó đã có 22 dự án hoàn thành, bước đầu cung cấp những số liệu quan trọng, phục vụ trực tiếp cho công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế ở một số ngành và địa phương ven biển.
Ngày 11/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 798/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, để đảm bảo việc triển khai Chiến lược khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được hiệu quả, đáp ứng các chi tiêu giám sát, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6 dự án về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển.
Thành công của các dự án cho thấy, để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển, cần đặc biệt ưu tiên cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Công tác này đang ngày càng khẳng định được tầm quan trọng qua những đóng góp rất cụ thể.
Công tác điều tra cơ bản cung cấp các số liệu quan trọng về hiện trạng, dự báo tiềm năng tài nguyên, môi trường biển phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, khoáng sản biển, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.
Thực tế cho thấy, các phát hiện quan trọng về tiềm năng khoáng sản biển như khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản titan ven biển, kim loại đáy biển và đặc biệt là việc phát hiện thêm các khu vực có biểu hiện khí hydrate và khu vực chứa dầu khí không những có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế biển mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của nước ta, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên năng lượng đang dần cạn kiệt, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao.
Thêm vào đó, các dữ liệu về địa chất công trình quanh các đảo, bãi ngầm và một số khu vực ven bờ là cơ sở để thiết kế, bố trí, xây dựng các công trình phòng thủ trên biển trong bối cảnh an ninh trên biển đang có những diễn biến rất phức tạp.
Các dữ liệu về hiện trạng, tiềm năng tài nguyên đất, tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất tại một số khu vực ven biển và một số đảo; xác lập được các quy luật xói lở, bồi tụ cửa sông, ven biển có giá trị hết sức quan trọng cho việc sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau phục vụ phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên môi trường biển, phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng tại vùng cửa sông, ven biển trên cả nước.
Không thể phủ nhận, nhiều kết quả của công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển được sử dụng hiệu quả trong công tác xây dựng quy hoạch sử dụng biển, công tác quản lý tổng hợp đới bờ, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển. Trong đó, kết quả của một số dự án đã được sử dụng trong đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố môi trường biển do công ty Gang thép Hưng nghiệp Fomusa gây ra.
Gian nan công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển
Kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển là một trong những dữ liệu quan trọng nhằm xác định, định hướng quy hoạch không gian biển, quy hoạch khai thác, sử dụng tàu nguyên, môi trường biển. Tuy nhiên, đến nay, ngoài công tác đo đạc, thành lập bản đồ biển và hải đồ ở tỷ lệ 1/200.000 đã được thực hiện ở phần lớn diện tích biển (82%), thì công tác điều tra cơ bản đối với các loại tài nguyên khác còn nhiều hạn chế. Lĩnh vực địa chất, khoáng sản biển vốn được đầu tư khá mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua hiện cũng chỉ điều tra và thành lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ nhỏ 1/500.000 đến độ sâu 100m với diện tích khoảng 24,5%. Rõ ràng là, việc định hướng quy hoạch không gian biển trong thời gian tới sẽ gặpnhiều khó khăn, do chưa có dữ liệu đầy đủ để xây dựng.
Các dự án điều tra cơ bản trong thời gian qua chưa chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các vùng biển nhạy cảm gần các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, chưa gắn với các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để giải quyết những bất cập nêu trên, từng bước cung cấp đầy đủ hơn các số liệu phục vụ công tác quy hoạch không gian biển, bảo vệ môi trường biển và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới các dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển cần chú trọng tới một số nhiệm vụ như sau:
Một là, tiếp tục điều tra, nâng cao hiệu quả điều tra, chất lượng điều tra tài nguyên, môi trường biển. Đặc biệt là đối với các khu vực chưa có dữ liệu điều tra cơ bản các vùng biển nhạy cảm, dễ xảy ra sự cố môi trường biển.
Hai là, điều tra, đánh giá về hiện trạng rác thải biển (rác thải vi nhựa, rác thải phóng xạ…), đề xuất các giải pháp phòng tránh, xử lý hiệu quả rác thải biển.
Ba là, hoàn thành về cơ sở khoa học, thực tiễn, hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, sự cố môi trường, tai biến, biến đổi khi hậu, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược biển, phát triển bền vững.
Bốn là, phát triển hệ thống dự báo, cảnh báo, môi trường, phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho các hoạt động ven biển và trên biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.