Sinh năm 1990, còn rất trẻ nhưng Lê Xuân Quyết đã có 4 năm dạy học tại xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang, được phân công về dạy tại Trường Tiểu học Vạn Thọ 2 (Vạn Ninh, Khánh Hòa), nơi làm việc mà nhiều người mơ ước nhưng được một năm thì thầy Quyết tình nguyện viết đơn xin ra đảo dạy học.
Điều thôi thúc người thầy giáo trẻ quyết định ra ra đảo công tác là vì xuất thân trong một gia đình nghèo anh mong muốn giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mình được học tập đầy đủ. Vì vậy, thầy Quyết thường đến Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa để hỏi thông tin về đợt tuyển giáo viên ra Trường Sa và khi được nhận quyết định, Quyết đã khóc...
Thầy giáo Lê Xuân Quyết, là giáo viên trẻ nhất chia sẻ những khó khăn trong công tác tại đảo Song Tử Tây, thuộc Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Nhớ lại ngày mới ra đảo, người thầy giáo trẻ không khỏi bùi ngùi bởi hoàn cảnh của các em học sinh ở ngôi trường nhỏ bé trên đảo. Cả trường có 9 học sinh gộp chung khối tiểu học và mầm non. Thầy Quyết và một giáo viên nam khác cùng nhau đứng lớp. Khó khăn lớn nhất của thầy Quyết là dạy lớp ghép trong khi chưa hề có khái niệm về việc này.
Vì phải gộp chung nên phòng học có 2 bảng đen quay về hai hướng, thậm chí có những năm còn phải kê thêm bảng đen nữa vì là 3 lớp ghép. Vậy là buổi đầu đứng lớp thầy loay hoay dạy học sinh lớp 1 xong lại quay sang giảng bài cho lớp 4, xong còn kiêm dạy trò mầm non 2,3 tuổi. Thầy giáo 9x cười cho biết: Đúng là lúc ấy tôi đã quay như chong chóng...
Mới ra trường chưa lâu nhưng thầy giáo trẻ đã tự mình rút ra nhiều kinh nghiệm để thu hút, tạo hứng thú cho học sinh, không gượng ép các em học nhiều. Ngược lại, thầy tạo cho các em không gian vừa học vừa chơi. Với các em lớp 1, những giờ học đếm bằng vỏ sò, san hô - món đồ gần gũi với trẻ miền biển đảo, cũng góp phần bù lấp sự thiếu thốn que tính học tập, lại khiến học trò thích mê.
Tuy nhiên, những ngày đầu không phải lúc nào cũng thuận lợi, học sinh mầm non có em vừa đến lớp học đã khóc ngằn ngặt đòi về nhà, học sinh lớp lớn thì thầy quay đi là trèo cửa sổ trốn về nhà. Khi ấy thầy giáo Quyết lại đóng vai là bạn của các em, cùng chơi trò chơi, kể chuyện và tự mình đóng vai các nhân vật để các trò thêm yêu trường lớp, yêu thầy giáo. Ngoài ra, do cách biệt về địa lý nên việc tìm hiểu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp rất hạn chế, các thầy phải cố gắng từng ngày, sáng tạo và linh hoạt đối với từng đối tượng học sinh.
Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng vì tình yêu với trò, thầy giáo trẻ lại cố gắng học hỏi thêm. Thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết chia sẻ: Thương nhất là học trò ngoài đảo không được va chạm với cuộc sống nhộn nhịp. Nhìn học trò nhận quà từ đất liền gửi ra và nâng niu như báu vật dù đó chỉ là hộp bút màu cũng không nỡ dùng vì sợ hết. Người thấy giáo trẻ xót xa nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc vì được đồng hành cũng các em, được đóng góp sức mình cho xã đảo thân yêu.
Học trò trên đảo nghịch ngợm nhưng tình cảm, luôn coi thầy như người anh, người chú, mọi thứ đều có thể sẻ chia... Phụ huynh học sinh thì coi thầy cô giáo như người thân trong gia đình. Đây là món quà rất ý nghĩa mà nếu ở đất liền, tôi sẽ khó có được, thầy giáo chia sẻ ... Từ ngày ra đảo, thầy giáo trẻ cũng học thêm được rất nhiều thứ từ học sinh của mình như biết bơi rất xa, biết cách đánh bắt cá…
Học sinh ở đảo Song Tử Tây giờ đã có trường lớp với phòng học khang trang. Đường điện kéo đến trường, quạt máy được lắp đặt tới từng phòng, học sinh không còn lo bị nóng. Ngoài giờ học, thầy Quyết và trò quây quần cùng các chú bộ đội tập hát những bài hát về biển đảo, về tình yêu Tổ quốc.
Thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết bày tỏ, mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt trẻ thơ của học trò, anh lại càng muốn gắn bó thật lâu với Trường Sa và hy vọng sẽ có nhiều thế hệ thanh niên, giáo viên tiếp nối đến với Trường Sa.