Biển đảo Việt Nam:

Thừa Thiên - Huế: Sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp

Tình trạng sạt lở bờ biển đang xảy ra ở nhiều khu vực Thừa Thiên - Huế, đe đọa tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình đê, kè biển bảo vệ đất liền.


Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hùng cho biết, toàn tỉnh có khoảng 30 km bờ biển bị sạt lở; trong đó có 10 km với 10 điểm bị sạt lở nặng. Nguyên nhân xuất hiện các điểm sạt lở trên là do các đợt bão lụt liên tiếp vừa qua đã gây hiện tượng biến đổi khí hậu, dòng hải lưu thay đổi, mực nước biển có xu hướng dâng cao, tác động thủy triều lớn. 

Tại bờ biển thôn Tân An, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), sóng biển đã làm hư hỏng 3 mỏ hàn mềm M1, M2 và M4, các mỏ hàn khác như M5, M6 của công trình kè bảo vệ bờ biển cũng có nguy cơ bị hỏng. Tại đây, sóng đánh vào liên tục đã làm sạt lở 500m bờ biển, xâm thực sâu vào đất liền 6-8m, có nơi 15m vào sát khu vực dân cư. Tại khu vực kè thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (được đầu tư xây dựng năm 2015), khu vực tiếp giáp hai khoá đầu kè, phần chưa được đầu tư xây dựng bị sạt lở với chiều dài 400m, xói sâu vào 5-8m. 

Tại khu vực âu thuyền Phú Thuận (huyện Phú Vang), tuyến đê dẫn ra âu thuyền, dùng làm nơi vận chuyển ngư lưới cụ của ngư dân đang bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng. Tuyến dường dẫn dài khoảng hơn 200m, chắn sóng cho các thuyền bè tránh trú phía trong, được trải một lớp bạt bên trên rồi dằn một lớp đá hộc, trên cùng là lớp xi măng. Tình trạng thủy triều dâng làm khu vực này xuất hiện 4-5 điểm sạt lở, trôi sạt đất đá xuống bờ phá, phần chân đê không còn vững. Có điểm, tình trạng xâm thực ăn sâu vào chân đê theo kiểu hàm ếch, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. 

Tại bờ biển xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, ngay sau sạt lở, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiến cứu nạn tỉnh đã xuất 36 rọ thép và 1.500 m2 vải lọc; UBND huyện Phú Lộc đã bố trí 47.000 bao tải, 30m3 đá hộc, 310 m3 đất, huy động hơn 1.000 nhân công để xử lý sạt lở khẩn cấp bờ biển Vinh Hải. Trước đây, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã đầu tư 2,5 tỷ đồng làm kè, rọ đá xử lý một số điểm sạt lở ở khu vục này trên chiều dài khoảng 500m; tuy nhiên, nhiều điểm sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra, có nơi các rọ đá kè trước đó bị cuốn ra biển. 

Cùng với tình trạng sạt lở bờ biển, các cửa biển Tư Hiền (huyện Phú Lộc), các khu neo đậu Phú Thuận, Phú Hải, Thuận An (huyện Phú Vang) đã xuống cấp, bồi lắng gây khó khăn trong việc tránh trú bão của tàu thuyền, cần phải chỉnh trị và nâng cấp mở rộng cảng cá kết hợp âu thuyền tránh trú bão. Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang rất lúng túng trong việc xử lý tình trạng sạt lở bờ biển, cả về giải pháp kỹ thuật và nguồn kinh phí. Trước mắt, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư khoảng 2.350 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án chống sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa biển và nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão trên địa bàn... 
Quốc Việt (TTXVN)
Từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đề phòng nguy cơ lũ quét
Từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đề phòng nguy cơ lũ quét

Dự báo ngày 28 và 29/11, tại các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa vừa, mưa to. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN