Điểm nhấn hiện tại của Khu du lịch biển Tân Thành chỉ còn là chiếc cầu tàu dẫn ra biển dài chừng 300m nhưng do tác động của thời gian và môi trường nên cầu tàu đã xuất hiện nhiều vết nứt, gạch vỡ, sắt thép hở trơ ra ngoài hoen rỉ.
Nhà hàng cũ kỹ, xuống cấp, rêu mốc bên cạnh đống đổ nát của bờ tường chắn sóng ở Khu du lịch biển Tân Thành.
|
Dịch vụ ăn uống ở đây cũng khá nghèo nàn với dãy nhà hàng mái lá của Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vạn Bình An bao quanh bãi biển.
Du khách đến đây không thể tìm ra được dịch vụ nào để vui chơi, giải trí. Ngoài ra, do sự thiếu ý thức của du khách nên xung quanh bãi biển, dọc các nhà hàng, quán nước, rác thải vương vãi khắp nơi, gây mất mỹ quan.
Do ảnh hưởng của sóng biển, đoạn bờ bao chắn sóng dài gần 100m đã bị đổ sập cách đây không lâu, gạch đá lởm chởm, những mảnh vụn chất đống, gồ ghề gây khó khăn, cản trở việc đi lại của khách du lịch. Nhưng sau vài tháng đổ sập, đến nay đoạn tường bao này vẫn chưa được sửa chữa, duy tu, dọn dẹp lại.
Du khách Nguyễn Minh Triết (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Nhiều năm trước, tôi đã đến đây du lịch, lúc đó biển vẫn đẹp và sạch lắm nhưng bây giờ quay lại, thấy đoạn tường bao chắn sóng đổ vỡ, đường đi khấp khểnh, rất khó đi lại. Chiếc cầu tàu thì rêu mốc, nứt vỡ, nhiều đoạn trơ cả sắt thép hoen rỉ, nếu vẫn như thế này chắc tôi cũng không quay lại”.
Những ngày thường, Khu du lịch biển Tân Thành chỉ có vài chục khách du lịch nhưng khách chỉ đến tham quan chừng nửa tiếng, vì hầu như không có dịch vụ nào để níu chân du khách. Vào những dịp lễ, tết, số lượng khách đông hơn nhưng cũng không đáng kể, đa phần là những người dân sống quanh khu vực và các tỉnh lân cận. Điều này cho thấy sự lãng phí khi không thu hút được khách du lịch nước ngoài cũng như khách du lịch phương xa từ tiềm năng biển Tân Thành.
Điều đáng phê phán nhất tại Khu du lịch biển Tân Thành chính là hiện tượng cò mồi, chèo kéo khách. Khi thấy khách du lịch đến, sẽ có 5 - 7 người lên xe máy đuổi theo, đi sát bên mời chào, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan của khu du lịch và gây những hình ảnh phản cảm đối với khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, hoạt động du lịch ở biển Tân Thành còn những mặt hạn chế như cơ sở hạ tầng du lịch chưa được đầu tư phát triển, sản phẩm du lịch đơn điệu. Bên cạnh đó, còn tồn tại một số mặt hạn chế làm ảnh hưởng đến du lịch Tân Thành như vệ sinh môi trường chưa tốt, tình trạng cò mồi đôi lúc xảy ra, nhất là vào dịp lễ, tết.
Trong thời gian tới, Sở sẽ làm việc với UBND huyện Gò Công Đông và các doanh nghiệp ở Tân Thành để chấn chỉnh lại hoạt động du lịch, tăng cường kiểm tra, hạn chế tình trạng “cò mồi” chèo kéo du khách. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên thu gom rác thải, vệ sinh môi trường để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Song song đó, công tác quảng bá xúc tiến sẽ được tăng cường đi vào chiều sâu để trên cơ sở có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác, tìm kiếm thị trường khách du lịch; đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh và sản phẩm của du lịch Tiền Giang nói chung và du lịch biển Tân Thành nói riêng.
Du khách đến Khu du lịch biển Tân Thành vào dịp nghỉ lễ. |
Về vấn đề “cò mồi” chèo kéo khách du lịch, ông Lê Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập đội kiểm tra liên ngành gồm Phòng Văn hóa Thông tin, Đội quản lý thị trường và lực lượng công an tăng cường triển khai kiểm tra, rà soát, khi phát hiện trường hợp sai phạm sẽ xử lý triệt để.
Theo ông Lê Hoàng Việt, để đánh thức tiềm năng của Khu du lịch biển Tân Thành, tỉnh Tiền Giang cần có những dự án đầu tư mang tính đột phá và một chiến lược phát triển du lịch có tính bền vững hơn, biến việc khai thác thế mạnh của Khu du lịch biển Tân Thành trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của huyện Gò Công Đông nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung trong thời gian tới.