Ông Đỗ Văn Ba, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: Sở đang khẩn trương triển khai các giải pháp cứu hộ, cứu nạn biển tới các doanh nghiệp du lịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và người dân; đồng thời chấn chỉnh các hoạt động mô tô nước trên địa bàn.
Cùng với sự phát triển của ngành du lịch Bình Thuận, các loại hình du lịch nghỉ dưỡng và giải trí thể thao trên biển ngày càng phong phú. Tính đến nay Bình Thuận đã có 31 mô tô nước đang hoạt động trên biển, tập trung chủ yếu tại thành phố Phan Thiết. Tuy nhiên theo ông Đỗ Văn Ba, hoạt động mô tô nước tại các khu du lịch hiện tại diễn biến rất phức tạp.
Những mô tô nước thường chạy vào khu vực gần bờ, gây nguy hiểm cho du khách. Ngoài ra, việc chèo kéo, tranh giành khách, giá cả không được niêm yết và hoạt động trái phép đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đẹp của ngành du lịch Bình Thuận.
Hoàng hôn trên bãi biển Bình Thuận. Ảnh internet |
Thời gian qua công tác cứu hộ trên biển luôn được chú trọng, nhưng do lực lượng và phương tiện cứu hộ còn quá thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu an toàn tại các bãi tắm. Để khắc phục những tồn tại này, hiện nay công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển đã được triển khai cấp bách đến các Ban quản lý và doanh nghiệp du lịch.
Yêu cầu các doanh nghiệp, các Ban quản lý khu du lịch quan tâm đặc biệt đến công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến với Bình Thuận.
Về hoạt động của các xe mô tô nước trên biển, Sở quy định mô tô nước đảm bảo đủ điều kiện mới được hoạt động và không được chạy trong bãi tắm, phải hoạt động cách mép bờ biển tối thiểu là 60m và tối đa là 650m.
Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ phạt cảnh cáo lần đầu và vi phạm lần 2, rút giấy phép hoạt động. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đang khẩn trương quy hoạch tổng thể các hoạt động giải trí thể thao trên biển để không ảnh hưởng đến các khu du lịch và vùng nuôi trồng đánh bắt thủy sản.
Nguyễn Thanh