Không chỉ mang đầy đủ giá trị của rừng ngập như làm chậm dòng chảy phát tán của nước triều, giảm độ mạnh và cao của sóng triều, bảo vệ đê biển, hạn chế xâm nhập mặn, tạo đa dạng sinh học, rừng ngập mặn ở Bà Rịa - Vũng Tàu còn có tác dụng là “lá phổi” cho các đô thị Tân Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu và giá trị cảnh quan rất lớn.
Du khách đi dọc sông Thị Vải - Cái Mép, sông Dinh, sông Chà Và… hay đi đường quốc lộ 51 đến chớm thành phố Vũng Tàu sẽ thực sự bị mê hoặc trước những cánh rừng ngập mặn trải dài, xanh ngút mắt. Tuy nhiên, cũng như bao cánh rừng khác, rừng ngập mặn ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần mai một và tỉnh đang tìm mọi cách để giữ gìn, phát triển những cánh rừng ngập mặn này.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 5.113 ha rừng ngập mặn, trong đó tập trung nhiều nhất là huyện Tân Thành với hơn 2.640 ha và thành phố Vũng Tàu với hơn 1.890 ha. Phần còn lại là huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc.
Ngoài ra, theo thống kê, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có gần 3.000 ha đất rừng ngập mặn (do cấp huyện quản lý) để trống hoặc nuôi trồng hải sản có thể đưa vào khoanh nuôi bảo vệ tạo rừng cảnh quan và diện tích này chủ yếu nằm ở thành phố Vũng Tàu với gần 1.900 ha.
Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện giao khoán hơn 2.000 ha rừng ngập mặn cho 302 hộ quản lý, trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Thành với hơn 1.620 ha cho 161 hộ. Số còn lại gần 3.100 ha chưa giao nhưng phần nhiều diện tích rừng ngập mặn này nằm rải rác dọc theo các bãi bồi, ít có giá trị hưởng lợi nên các hộ không mặn mà nhận khoán.
Theo Ban Quản lý rừng Phòng hộ tỉnh, trong mấy năm qua, trên địa bàn xảy ra 3 vụ phá rừng ngập mặn quy mô khá lớn và đơn vị đã kịp thời phát hiện, xử lý.
Cụ thể, vào tháng 8/2014 xảy ra vụ phá gần 25 ha tại tiểu khu Phước Hòa trên phần đất do ông Nguyễn Văn Bo nhận khoán. Vào tháng 7/2015, cũng tại tiểu khu Phước Hòa đã xảy ra vụ chặt hạ 5,3 ha rừng đước trên phần đất do ông Phạm Thanh Phong nhận khoán. Mới đây nhất là vào tháng 5/2016, tại lô 14,15, khoảnh 25, tiểu khu Phước Hòa đã có 2.500 m2 rừng đước bị chặt hạ trên diện tích rừng nhận khoán của ông Phạm Quang Thạch.
Cũng theo Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, những vụ phá rừng nhỏ lẻ ở mức vài trăm mét vuông để làm đùng (ao) nuôi tôm xảy ra nhiều, rất khó phát hiện và đây chính là mối lo không nhỏ vì rừng cứ bị gặm nhấm dần dần.
Nguyên nhân là lực lượng tuần tra bảo vệ rừng rất mỏng (tại huyện Tân Thành chỉ có 1 trạm quản lý bảo vệ rừng với 4 viên chức, 1 phương tiện là cano để tuần tra nhưng đã cũ, hư hỏng thường xuyên), trong khi địa bàn rất rộng và các hộ nhận khoán lại ở sâu trong các diện tích rừng của mình.
Nhưng qua tìm hiểu, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng các hộ nhận khoán phá rừng ngập mặn là nguồn hưởng lợi từ rừng nhận khoán không nhiều, nên nhiều hộ đã tìm cách be bờ, đào ao chuyển sang nuôi tôm, cá thu lợi lớn hơn.
Bên cạnh đó, vì nguồn hưởng lợi từ rừng không nhiều, một số hộ nhận khoán đã chuyển nhượng cho các hộ khác và việc chuyển nhượng này không thông qua Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh nên trách nhiệm đã phai nhạt hơn.
Giữ rừng đã khó nhưng việc trồng rừng ngập mặn ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang gặp không ít khó khăn. Trong năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tổ chức trồng được gần 33 ha rừng ngập mặn.
Còn theo kế hoạch trồng rừng ngập mặn năm 2016 (ở cấp huyện), thành phố Vũng Tàu trồng 100 ha và thành phố Bà Rịa trồng hơn 71 ha nhưng đến nay đã phải chuyển qua năm 2017 do khó khăn về kinh phí và phần lớn diện tích đang bị các tổ chức, cá nhân sử dụng nuôi trồng thủy sản. Hiện thành phố Vũng Tàu đang phải tổ chức kiểm tra, làm rõ lại hiện trạng sử dụng đất để làm cơ sở trồng rừng ngập mặn.
Thành phố Vũng Tàu đang đề xuất trồng 350 ha cho giai đoạn từ nay đến 2020 và thành phố Bà Rịa dự kiến trồng 480 ha. Ngoài ra, theo khảo sát của Ban Quản lý rừng phòng hộ cấp tỉnh, hiện trên địa bàn còn khoảng 500 ha đất trống ngập mặn có thể trồng rừng và dự kiến năm 2017 sẽ triển khai trồng 100 ha.
Trước thực trạng trên, mới đây, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương quy hoạch rõ ràng, phủ toàn bộ diện tích rừng ngập mặn, xây dựng cơ sở pháp lý để làm cơ sở trồng, bảo vệ và công khai cho dân biết.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án xã hội hóa việc trồng, bảo vệ và công khai các quyền lợi được khai thác từ rừng ngập mặn để người dân, tổ chức cùng tham gia; khuyến khích tổ chức Đoàn Thanh niên thực hiện các công trình thanh niên trong việc trồng, bảo vệ rừng…
Đặc điểm của rừng ngập mặn ở Bà Rịa - Vũng Tàu là có nhiều con sông lớn, nhánh sông chạy qua và sát với rừng Sác, Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh nên rất thích hợp cho phát triển du lịch.
Tại đây đã hình thành một số tour, điểm du lịch thăm rừng ngập mặn bằng cano và thưởng thức các món hải sản biển liên thông giữa các khu rừng ngập mặn của Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây đang là một điểm mới khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới.