Trong thời gian 16 ngày (từ ngày 21/12/2022 đến 5/1/2023), các nhà báo, nhà văn thuộc các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương trên cả nước đã tham gia tác nghiệp tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu tại Lễ gặp mặt, Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân xúc động trước những tình cảm của các nhà báo, nhà văn đã dành cho các cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân cũng như quân và dân huyện đảo Trường Sa trong chuyến công tác dài ngày.
“Bên cạnh những thuận lợi chung, chuyến công tác cuối năm 2022 gặp phải những khó khăn về thời tiết khắc nghiệt, sóng cấp 5, cấp 6, có lúc lên đến cấp 7. Đặc biệt, trong số gần 90 phóng viên tham gia chuyến công tác, phần lớn là phóng viên nữ, lần đầu đi Trường Sa. Đây không chỉ là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn, mà trong sâu thẳm mỗi người còn là tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc, tình yêu thương quân và dân trên quần đảo Trường Sa”, Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân nhấn mạnh.
Vẹn nguyên cảm xúc sau chuyến đi dài ngày với những sóng gió chưa từng trải qua, phóng viên Nguyễn Thị Cúc (Thông tấn xã Việt Nam) xúc động chia sẻ, đây là chuyến công tác dài ngày đầy ý nghĩa trong cuộc đời làm báo của chị. Đi, nghe và cảm nhận, chị và các đồng nghiệp trong đoàn công tác đều có chung sự cảm phục trước tinh thần kiên cường của các cán bộ, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc; những tình cảm thắm đượm tình quân dân như những người thân lâu ngày mới được gặp lại.
Còn chị Đặng Thị Phương Hoa (Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang) thì cho biết, từ nơi địa đầu Tổ quốc, chị mang theo tình cảm của những người dân vùng núi đến với Trường Sa và các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ đầy tự hào nơi đầu sóng ngọn gió. Chị Hoa cho biết, sau chuyến đi, chị sẽ viết tiếp những câu chuyện về người lính hải quân, về những người dân đang ngày đêm bám biển.
Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân khẳng định, những chuyến công tác đến với Trường Sa sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo, từ đó huy động nguồn lực từ nhân dân cả nước để xây dựng Trường Sa ngày càng đẹp hơn, xanh hơn, sáng hơn và vững chãi hơn, đáp ứng được sự mong mỏi của Đảng; xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thông tin khái quát về nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân cho biết, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của đảng bộ, chính quyền và nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và trực tiếp là Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trong năm 2022, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành toàn diện, xuất sắc các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thực sự là nòng cốt trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và an ninh, an toàn Căn cứ Cam Ranh cùng nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Bên cạnh đó, Vùng 4 Hải quân còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân, thực sự là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Trong năm 2022, các đảo thuộc Vùng 4 đã cấp cứu trên 100 ngư dân bị bệnh, bị tai nạn trong quá trình đánh bắt cá; cứu nạn hơn 20 tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển, đưa về bờ an toàn... Các âu tàu tại các đảo Trường Sa, Song Tử, Sinh Tồn đã trở thành nơi an toàn để tàu cá của các ngư dân đến neo đậu, tránh trú bão...
Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân khẳng định, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng hải quân Vùng 4 luôn quyết tâm làm tròn nhiệm vụ để đáp lại sự tin tưởng của nhân dân cả nước, sự quan tâm đầu tư về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng...