Tàu cá composite đã được ngư dân Khánh Hòa đưa vào khai thác hải sản từ nhiều năm qua. |
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án khai thác viễn dương, còn gọi là Đề án “Tổ chức hợp tác khai thác hải sản ngoài vùng viển Việt Nam và vùng biển quốc tế”, giai đoạn từ năm 2017 - 2030.
Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 tổ chức hợp tác để đưa tàu cá của 9 tỉnh gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang khai thác viễn dương. Đối với tỉnh Khánh Hòa, đội tàu cá composite được đánh giá là có triển vọng nhất để tổ chức khai thác viễn dương.
Theo đó, với tàu cá composite, tỉnh Khánh Hòa đang có “4 nhất” của cả nước gồm: Có tàu cá composite đóng sớm nhất vào năm 1990 mang số hiệu VN90, hiện nay tàu cá này vẫn hoạt động tốt; nhiều tàu cá composite nhất; nhập khẩu nhiều tàu composite nhất với 13 chiếc; công nghệ và nguồn nhân lực đóng tàu composite tốt nhất, khi Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy (UninShip) thuộc Trường Đại học Nha Trang đã có hơn 30 năm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực đóng tàu loại này.
Thuận lợi nữa là tỉnh Khánh Hòa có 4 cơ sở đóng và sửa chữa tàu cá composite đạt chuẩn, với công suất hàng trăm chiếc mỗi năm.
Bên cạnh đó, thời gian qua ngư dân Khánh Hòa đóng loại tàu này đều có công suất lớn, trị giá từ 10 - 18 tỷ đồng, trang bị thiết bị và hầm bảo quản hiện đại để khai thác hải sản xa bờ với các nghề: lưới rê, mành chụp, câu cá ngừ đại dương.
Phần lớn trong tổng số tàu composite nhập khẩu, được các doanh nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để vừa khai thác, vừa làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.
Từ khi Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu lực từ tháng 8/2014 đến nay, công suất đóng tàu cá composite của UninShip luôn duy trì ở mức tối đa 12 chiếc/năm.
Tàu cá composite được ngư dân Khánh Hòa ưa chuộng do chi phí sửa chữa thấp, hoạt động ổn định. |
Ông Phan Tuấn Long, Viện phó UninShip cho biết, hơn 2 năm qua, số ngư dân đóng tàu cá composite tăng đột biến, trong đó ngư dân Khánh Hòa và Ninh Thuận đóng nhiều nhất. Ngay từ tháng 2 vừa qua, đơn vị đã ký đủ hợp đồng đóng tàu với ngư dân cho cả năm 2017.
Ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa khẳng định, hiện nay, tàu cá composite được ngư dân trong tỉnh ưa chuộng nhất, do chi phí sửa chữa thấp, hoạt động ổn định, độ bền cao đến hơn 30 năm, đi biển an toàn, dễ đưa tàu lên bờ để bảo dưỡng.
Ông Én dẫn chứng, đến ngày 19/5, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt cho ngư dân vay vốn đóng mới 42 tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP, trong đó có đến 32 tàu composite, còn lại 7 tàu vỏ thép và 3 tàu gỗ.
Bên cạnh những ưu điểm trên, theo nhiều ngư dân đã có kinh nghiệm sử dụng tàu cá composite, loại tàu này còn chịu hà tốt, thuận tiện cho việc ứng dụng trang thiết bị và công nghệ bảo quản hiện đại, dễ tạo dáng, tiết kiệm nhiên liệu…
Trước đây, tàu composite chưa được ngư dân chú ý nhiều, bởi kỹ thuật đóng tàu này chưa hoàn thiện và nhất là giá thành cao hơn tàu gỗ rất nhiều, trong khi mhà nước chưa có nhiều chính sách hỗ trợ đóng tàu cá bằng vật liệu mới để đánh bắt hải sản xa bờ.
Theo nhận định của UninShip, composite là loại vật liệu công nghệ cao, được ứng dụng sản xuất tàu thủy ở Việt Nam từ năm 1990, nhưng vì một số rào cản nên chậm triển.
Hiện nay, những rào cản đó đã được tháo gỡ, nên đây là thời điểm thích hợp nhất để phát triển đội tàu cá xa bờ vỏ composite bên cạnh tàu cá vỏ thép, nhờ sự hỗ trợ của nhiều nguồn lực từ xã hội và nhà nước. Minh chứng cho nhận định này là số lượng tàu cá composite sản xuất từ năm 2014 - 2017, đã nhiều hơn số tàu cùng loại ra đời trong vòng 25 năm trước đó.
Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa Võ Thiên Lăng cho rằng, Nghị định 67/NĐ-CP đã và đang tạo “cú hích” cho phát triển đội tàu cá composite. Theo đó, nghị định này tạo điều kiện rất thuận lợi để thiết kế và chế tạo tàu cá composite công suất lớn, có khả năng khai thác viễn dương mang lại hiệu quả cao.