Nam Định được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm thiên tai trong các mùa mưa bão với 3 huyện ven biển. Tỉnh Nam Định có 91 km đê biển, hơn 300 km đê sông, đặc biệt có 4 con sông lớn là sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ nên đang là vùng có nguy cơ cao, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên tai. Từ đầu năm đến nay, nằm trong hoạt động của Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” được triển khai tại 16 xã thuộc 3 huyện ven biển nói trên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định đã phối hợp với các ban, ngành, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai Dự án có hiệu quả.
Đoàn viên thanh niên tham gia trồng rừng phòng hộ. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
|
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tập huấn, tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp cho hơn 91.000 người về giảm thiểu rủi ro, thảm họa và thích nghi với biến đổi khí hậu; kiến thức quản lý, phát triển tình nguyện viên, phòng ngừa ứng phó thảm họa, cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Đồng thời đầu tư một số trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác ứng phó thiên tai, thảm họa, góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân giúp cộng đồng được an toàn hơn.
Trên địa bàn huyện Giao Thủy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện chăm sóc và bảo vệ hơn 625 ha rừng tại 4 xã Giao An, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Phong và thị trấn Quất Lâm. Hiện tại, rừng phát triển tốt, không có hiện tượng sâu bệnh và chặt phá rừng.
Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng tiếp tục phát triển các tiểu dự án giảm rủi ro thảm họa, như: Hệ thống cầu dân sinh của xã Hải Chính, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai ở xã Hải Lý, hệ thống loa truyền thanh ở xã Hải Triều, hệ thống thoát nước 1.500 m tại khu dân cư và nuôi trồng thủy sản xã Hải Châu (huyện Hải Hậu), công trình vuốt dốc đê đường giao thông xã Giao An, công trình nhà vệ sinh chợ trung tâm xã Giao Xuân và công trình cống thoát nước khu dân sinh xã Bạch Long (huyện Giao Thủy). Những tiểu dự án sau khi được triển khai đã đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng; phát huy được hiệu quả, giúp nhân dân các xã thuận tiện trong sinh hoạt và sản xuất; nâng cao nhận thức phòng ngừa thảm họa, giúp cộng đồng an toàn hơn trong phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu. Các công trình của dự án hỗ trợ đều được chính quyền và người dân bảo quản tốt, hàng năm được kiểm tra bảo dưỡng.
Ban quản lý dự án Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định đã hướng dẫn và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tại các cơ sở thành lập 2 đội ứng phó nhanh cấp cộng đồng với hơn 50 thành viên của 2 xã Nghĩa Thắng (huyện Nghĩa Hưng) và xã Hải Chính (huyện Hải Hậu. Sau khi được thành lập, các thành viên của đội ứng phó được tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, giảm nhẹ rủi ro, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu và thực hành diễn tập sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn. Để đảm bảo cho đội ứng phó nhanh cấp cộng đồng hoạt động tốt khi có những tình huống khẩn cấp xảy ra, Ban quản lý dự án tỉnh Hội đã cấp trang thiết bị đạt tiêu chuẩn phục vụ hoạt động như mũ chữ thập đỏ, ao phao cứu sinh, túi sơ cấp cứu, đồ dùng cứu thương, đèn pin, áo mưa, loa pin cầm tay...
Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án, Hội chữ thập đỏ tỉnh Nam Định đã khảo sát, thẩm định và hỗ trợ nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) xây dựng 2 bản tin cảnh báo sớm thiên tai, thảm họa nhằm phục vụ việc cảnh báo sớm, giúp người dân thị trấn nắm bắt thông tin, góp phần giảm nhẹ những rủi ro, thiệt hại khi xảy ra thiên tai, thảm họa tại địa phương.
Ông Phạm Minh Phương, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian tới, Ban quản lý Dự án “Trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro” tỉnh Nam Định tập trung sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng các hệ thống cơ sở vật chất hỗ trợ địa phương trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro và biến đổi khí hậu cho giáo viên, học sinh tiểu học tại xã Nghĩa Thắng và thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng).
Thùy Dung