Ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã và đang triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm đưa hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong bối cảnh đang phải chịu tác động tiêu cực ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, người dân vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro, chưa thể phát triển bền vững nếu như không gấp rút triển khai những giải pháp quan trọng.
Nhiều mô hình thích ứngĐể ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Trà Vinh đã triển khai nhiều mô hình sản xuất thích ứng. Theo đó, mô hình trồng lúa theo phương pháp thâm canh cải tiến (SRI) ứng phó với BĐKH bước đầu đã cho thấy hiệu quả trong điều kiện đất canh tác gò cao hoặc khô hạn. Sau 2 năm sản xuất thực nghiệm, vụ lúa hè thu vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh đã nhân rộng mô hình trồng lúa này ở các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang với hơn 35 ha thu hút 50 hộ nông dân tham gia sản xuất.
Mô hình mía - tôm đang triển khai rộng tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. |
Ông Thạch Vuông, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè - một trong những hộ dân trồng lúa theo phương pháp SRI, cho biết: Trồng lúa theo phương pháp SRI chỉ sử dụng 5 kg lúa giống để gieo sạ thành mạ rồi tiến hành cấy tép cho 1.000 m2 đất, giảm được 5 kg lúa giống so với cách canh tác bình thường. Bên cạnh đó, lượng phân bón Urê, DAP, Kali chỉ sử dụng 15 kg/1.000 m2. Lượng nước bơm tưới cũng giảm được 60%, do thời gian cung cấp nước cho cây lúa chỉ tập trung vào thời gian làm đất, cấy mạ và lúc lúa làm đòng. Chi phí thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm 80%. Như vậy, chi phí sản xuất 1 kg lúa chỉ 2.100 đồng, trong khi sản xuất lúa theo cách bình thường chi phí lên đến gần 3.100 đồng/kg. Nếu sử dụng các giống lúa mới, năng suất đạt bình quân 6,5 tấn/ha.
Những năm gần đây, các tỉnh ven biển và các tỉnh thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Tiền Giang... đang chịu nhiều tác động của BĐKH ngày càng rõ nét. Tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán đến sớm hay ngập nặng do triều cường, nước biển dâng cùng với những yếu tố khí hậu bất thường khác có xu hướng tăng và khó dự báo chính xác. Điều này đã làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, dịch bệnh trên cây trồng và gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; tình trạng xói lở bờ sông, rạch, kênh mương ngày càng trầm trọng hơn. |
Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, tỉnh có khoảng 7.000 ha đất khó sản xuất được 3 vụ lúa trong năm do gò cao, xa hệ thống thủy lợi và bị xâm nhập mặn. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh chủ trương đưa mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI vào chương trình phát triển cây lúa ứng phó với BĐKH. Nông dân đăng ký trồng lúa theo phương pháp SRI sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng từ khâu chọn giống đến các mặt kỹ thuật canh tác, nhằm khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình, đảm bảo được hiệu quả kinh tế trong điều kiện đất sản xuất gò cao hay gặp phải điều kiện bất lợi do BĐKH gây ra.
Còn tại Sóc Trăng, ông Đào Duy Sự, Phó Chánh văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: “Để thích ứng với tình hình BĐKH, tỉnh đã quy hoạch 5 vùng với từng điều kiện sinh thái khác nhau như phù sa nhiễm mặn, lợ, ngọt, ngập phèn... Đồng thời cũng đã có kế hoạch định hướng sản xuất các loại nông sản chính, nhằm thích ứng với điều kiện BĐKH trên từng loại nền đất phù hợp, bao gồm lúa xuất khẩu, đặc sản, mía, heo, gia cầm, bò thịt, bò sữa, tôm, cá đồng... ”.
Theo ông Sự, tỉnh có lợi thế ruộng đất cao, nước ngọt quanh năm, nhưng hạn chế về đất phèn, nguy cơ bị xâm mặn cao, ngập úng tương đối sâu với thời gian ngày càng kéo dài, thuộc các huyện Ngã Năm, Thạnh Trị và một phần của huyện Mỹ Tú. Do đó, ngành nông nghiêp tỉnh đang triển khai các mô hình sản xuất lúa 3 vụ tại khu vực huyện Mỹ Tú; một số xã như Long Bình, Tân Long, huyện Ngã Năm và xã Tuân Tức, Thạnh Tân, Lâm Tân, huyện Thạnh Trị. Còn tại ở các khu vực có địa hình thấp hơn, thường bị ngập sâu với thời gian dài sẽ triển khai mô hình lúa - cá, mô hình nuôi trồng thủy sản trong mương vườn cây ăn quả…
Tuy nhiên, trên 5 vùng của tỉnh đều được ngành nông nghiệp quan tâm đầu tư mạnh nhất hiện nay là mô hình chăn nuôi, đặc biệt là bò sữa. Vì mô hình này không chỉ thích ứng tốt với điều kiện BĐKH mà còn mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn, giúp nông dân giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ phong trào nuôi khởi điểm với 477 con bò sữa năm 2004, đến nay, đàn bò sữa của tỉnh đã lên gần 4.700 con (tăng trên 30%/năm) với sản lượng sữa đạt từ 16 - 18 tấn/ngày.
Mức doanh thu từ chăn nuôi bò sữa là khá cao, bình quân đạt từ 45 - 50 triệu đồng/năm/con, người nuôi thu lãi trên 20 triệu đồng/năm/con. Đầu tháng 10 vừa qua, tổ chức Heifer (một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục đích xóa đói nghèo trên thế giới và quan tâm đến hành tinh xanh) đã tài trợ 20 tỷ đồng. Dự kiến sẽ có 8.000 hộ dân được hưởng lợi từ chương trình này, trong đó sẽ có 2.000 hộ sẽ nhận thêm từ 1 - 2 con bò sữa và được hỗ trợ tinh để tăng đàn. Ngoài ra, 5.000 hộ khác sẽ được hỗ trợ gián tiếp như tham gia các mô hình tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ các hợp tác xã thu mua sữa từ người nuôi.
“Tiếp sức” cho nông dânUBND tỉnh Trà Vinh vừa triển khai dự án “Thích ứng BĐKH vùng đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2014- 2020, do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) hỗ trợ. Dự án được triển khai đầu tư trên địa bàn 30 xã của 7 huyện trong tỉnh với tổng nguồn vốn 518 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn IFAD cho vay ưu đãi 231 tỷ đồng, viện trợ không hoàn lại 126 tỷ đồng và khoản còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và đóng góp của người dân được hưởng lợi. Triển khai dự án này, Trà Vinh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn thích ứng với BĐKH và giảm thiểu nguy cơ thiên tai; xây dựng 16 trạm quan trắc độ mặn tự động; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao; thành lập tổ chức tài chính vi mô để hỗ trợ vốn sản xuất cho người nghèo… Dự kiến, dự án sẽ đem lại lợi ích tối thiểu cho 62.500 người nghèo nông thôn.
Theo bà Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, mục tiêu của dự án này là nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để ứng phó với BĐKH; xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là đối với hộ dân tộc Khmer trong điều kiện môi trường thay đổi. Trong 5 năm qua, do ảnh hưởng BĐKH, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải đã bị biển xâm thực sâu vào đất liền từ 500 - 800 m; hơn 120 ha đất ở, đất sản xuất của người dân đã bị nước biển cuốn trôi. Bên cạnh đó, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống của người dân.
Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn vốn ứng phó BĐKH được sự tài trợ của Chính phủ Đan Mạch, các tổ chức quốc tế như: Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN… và ngân sách đối ứng của địa phương, tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng được 5 công trình đê, đập cục bộ để giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, nước biển dâng gây ngập lụt. Các công trình đã giúp ngọt hóa trên 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước ngọt sinh hoạt và sản xuất, cải thiện đời sống của người dân trong vùng; xây dựng nhà tránh trú bão cho vùng ven biển. Tỉnh Bến Tre cũng đã trồng trên 200 ha rừng ven biển thuộc các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại…
Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh Bến Tre đang đầu tư 5 dự án trọng điểm cấp thiết của tỉnh về ứng phó với BĐKH như: Dự án kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày; dự án củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển huyện Bình Đại và Ba Tri; dự án xây dựng công trình kè xói lở bờ sông Giao Hòa, khu vực cầu An Hóa, xã Long Hòa, huyện Bình Đại; dự án bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 -2014. Trong đó trọng tâm là Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh các huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú, bởi ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng, trong những năm gần đây tại các huyện này nguồn nước ngọt khan hiếm quanh năm, người dân không có nguồn nước ngọt sinh hoạt.
Theo các tỉnh vùng ĐBSCL, việc hỗ trợ người dân thực hiện những giải pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH đang được thực hiện ráo riết. Tuy nhiên, nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng ở các địa phương đang thiếu trầm trọng bởi hầu hết đều có số vốn lớn. Hiện các tỉnh đang phải lồng ghép nhiều chương trình và sử dụng nguồn vốn tự cân đối được để thực hiện từng bước các dự án, công trình chống BĐKH ở địa phương.
Bài và ảnh: Anh Đức