Vật liệu PPC - cơ hội để phát triển ngành đóng tàu biển

Công ty cổ phần Công nghệ James Boat thiết kế chế tạo tàu thuyền bằng vật liệu mới Copolymer polypropylene polystone (PPC) ứng dụng công nghệ cao đã chế tạo thành công rất nhiều con tàu mà tới nay vẫn hoạt động tốt.

Đại úy Phan Văn Lễ, thuyền trưởng Hải Đội 1 - Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 cho biết, thuyền sản xuất từ PPC đã hoạt động được 2 năm (trên 6.000 hải lý) chịu nhiều đợt sóng cấp 4, cấp 5 nhưng thân vỏ ổn định, đạt được nhiều thành tích trong việc tuần tra cứu hộ ven biển.

Tính năng vượt trội

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ James Boat - chuyên cung cấp và đóng tàu bằng vật liệu mới PPC, Việt Nam là quốc gia có bờ biển được trải dài từ Bắc vào Nam. Do vậy, nhu cầu về trang bị tàu thuyền cỡ nhỏ để thực hiện các công việc phục vụ dân sinh và quốc phòng là rất lớn. PPC có những tính năng ưu việt hơn tất cả những vật liệu vẫn được dùng đóng tàu, thuyền và xây dựng những công trình nổi từ trước tới nay.

Xuồng tuần tra cao tốc MS-50S do Công ty cổ phần Công nghệ James Boat đóng bằng vật liệu mới PPC cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Viết Tôn

PPC là vật liệu nhựa dẻo được bổ sung các phụ gia đặc biệt, chống tia cực tím bền vững đã làm thay đổi đặc tính của vật liệu, đảm bảo độ bền phù hợp cho sử dụng trong sản xuất tàu thuyền và công trình nổi. Trong vật liệu này có chứa các phân tử chống được sự hun nóng (ví dụ như ánh nắng) mà không bị biến dạng. Vật liệu này được sản xuất thành từng tấm lớn có độ dày từ 5mm - 40mm, các tàu thuyền được sản xuất từ các tấm nhựa bằng hàn nhiệt hạch sử dụng công nghệ đặc biệt.

Trước khi có vật liệu mới PPC, tàu thuyền vẫn được đóng bằng các vật liệu: Thép, nhôm và composite làm vỏ thay cho gỗ. Nhưng các loại vật liệu đều bộc lộ những điểm hạn chế riêng; vỏ nhôm đắt, không thích hợp cho tàu cá; vỏ sắt nhanh bị thủy sinh bám và han gỉ tốn chi phí cạo hà, sơn lườn thường xuyên... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khai thác. Tàu vỏ sắt nặng, ma sát lớn, vận hành rất tốn nhiên liệu. trong khi vật liệu composite có những ưu điểm so với sắt thép, nhưng khả năng rách, vỡ cao, không thể hàn, vá, không thể tái chế nên là mối đe dọa tiềm ẩn với môi trường. Nhiều nước đã cấm sử dụng vật liệu này.

Nhưng PPC - thành quả của Viện nghiên cứu Vật liệu Cộng hòa Séc nghiên cứu thử nghiệm và sáng chế, có thể khắc phục những điểm hạn chế đó. Do cấu trúc không phân cực nên vật liệu có tính kháng hóa chất đặc biệt cao, có khả năng chịu nước, axit vô cơ, kiềm và muối. Về độ bền, PPC cho thấy khả năng chống đâm thủng, PPC có chất phụ gia làm tăng độ dai và kháng nhiệt tốt, ổn định ở nhiệt độ lên tới 70oC, có khả năng chịu nhiệt độ thấp xuống đến âm 35oC. Tàu làm bằng PPC có khả năng chống chìm, chống lật, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu lên tới 30 - 40%.

Do vật liệu được pha màu từ khi sản xuất với chất lượng cao nên không bị ảnh hưởng của tác động môi trường bên ngoài (nhiệt độ, tia cực tím, hóa chất) cũng không thể gọt hay cạo đi được. Việc sản xuất và gia công PPC không có chất độc hại, nên an toàn cho hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Khi sử dụng PPC để sản xuất tàu thuyền và công trình nổi, PPC cho thấy rõ ràng những tính năng vượt trội. Tàu làm bằng PPC không gỉ, tàu thuyền có thể dễ dàng được rửa sạch; kháng axit và sản phẩm dầu mỏ nên có tuổi thọ cao (25 - 40 năm tùy theo môi trường và địa lý); cách nhiệt, cách âm, giảm tiếng ồn của động cơ).

Cơ hội phát triển nền công nghiệp xanh

Vật liệu PPC được các nhà khoa học thế giới đánh giá là vật liệu thân thiện với môi trường. Theo đánh giá của GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, Trung tâm Vật liệu Polymer trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, với điều kiện khí hậu Việt Nam, vỏ tàu bằng vật liệu PPC có thể đạt tuổi thọ ít nhất 30 năm. Việc ứng dụng công nghệ hàn nhiệt, vật liệu tổng hợp PPC có thể sử dụng để đóng các loại tàu thuyền vận tải hành khách với sức chứa đến 150 hành khách và hàng hóa đến 120 tấn; các loại tàu thuyền trong tuần tra, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu trên sông, hồ và vùng ven biển. Vật liệu PPC cũng được sử dụng để chế tạo nhà nổi, bến nổi, bến du thuyền, cầu cảng trên sông hồ và vịnh kín, cũng như các du thuyền sang trọng, đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống.

Đầu năm 2016, Đoàn công tác Cục đăng kiểm Việt Nam và Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải đã đến làm việc với cơ quan đăng kiểm CS Lloyd và Tập đoàn Rochling để tìm hiểu về việc ứng dụng vật liệu PPC trong việc chế tạo tàu thuyền ứng dụng công nghệ cao. Theo tính toán, việc thiết kế, chế tạo và vận hành sản phẩm ca nô, tàu thuyền, và các công trình nổi từ vật liệu PPC chiếm 50% giá thành nhập ngoại so với sản phẩm tương ứng.

Cùng với đó, các sản phẩm như: Cửa kính thủy lực, hệ thống lan can, hệ thống sàn chống trơn, hệ thống điện… cho ca nô, tàu thuyền, cũng như hệ thống khung nhôm, khung thép cho bến nổi được sản xuất trong nước có thể tận dụng nguồn nhân lực và thiết bị máy móc. Đặc biệt, cạnh tranh được các sản phẩm nhập ngoại về chất lượng, giá thành, tiết kiệm nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lao động đóng tàu. Việc ứng dụng thành công vật liệu tổng hợp PPC có thể là cơ hội để phát triển nền công nghiệp xanh thân thiện với môi trường.
Kiều Hà
Công nghệ đóng tàu  bằng vật liệu PPC
Công nghệ đóng tàu bằng vật liệu PPC

Việt Nam là quốc gia có bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam. Do vậy, nhu cầu về trang bị tàu thuyền cỡ nhỏ để thực hiện các công việc phục vụ dân sinh và quốc phòng là rất lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN