Tài nguyên sinh vật đảo Bạch Long Vĩ trước đây thường được biết đến qua nghiên cứu của một số nhà khoa học chuyên ngành. Các số liệu được tổng hợp và bổ sung trong các báo cáo của đề tài do Viện Tài nguyên và Môi trường biển thực hiện.
Những số liệu về tài nguyên sinh vật được biết chủ yếu tập trung vào sinh vật biển, tuy có đề cập tới nhóm sinh vật trên cạn nhưng chưa có dữ liệu về những nhóm sinh vật có kích thước nhỏ.
Gần đây nhất cũng đã tổng hợp tất cả các công trình nghiên cứu từ trước đến nay ở đảo Bạch Long Vĩ, phân tích khá kỹ các vấn đề về thiên nhiên và môi trường biển đảo, hoàn cảnh kinh tế-xã hội, thực trạng quản lý cũng như đưa ra các dự báo và định hướng phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vùng biển đảo này.
Âu cảng Bạch Long Vĩ nhìn từ ngọn hải đăng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Nhưng các công trình nghiên cứu sẽ đầy đủ và hoàn thiện hơn khi được chuyển sang cơ sở dữ liệu (số hoá) và bổ sung những nhóm động vật, thủy sinh vật có kích thước nhỏ đặc trưng khu vực ven bờ và trên đảo. Khu hệ sinh vật trên một vùng biển, đảo biệt lập và cách xa đất liền như Bạch Long Vĩ hứa hẹn có nhiều ghi nhận mới cho biển Việt Nam, loài mới cho khoa học.
Vì vậy, để số hóa được một cách đầy đủ và hoàn thiện hơn các dữ liệu tài nguyên sinh vật Đảo Bạch Long Vĩ, trong 2 năm (2014-2015), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp với UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Công nghệ Thông tin thực hiện Đề tài “Điều tra bổ sung, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên sinh vật đảo Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng” với nguồn kinh phí từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và địa phương.
Theo nhận xét của Tiến sĩ Lê Hùng Anh: Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã điều tra, xây dựng thành công Hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên sinh vật thông qua bộ số liệu về thành phần loài sinh vật trên đảo và ven biển.
Trong Hệ thống cơ sở dữ liệu đề tài thực hiện về Tài nguyên sinh vật vùng biển, đảo Bạch Long Vĩ có 1.396 loài, trong đó ghi nhận được hệ sinh thái trên cạn và dưới nước có tới 347 loài thực vật; 18 loài thú nhỏ; 81 loài chim; 26 loài bò sát, ếch nhái; 163 loài côn trùng; 67 loài tuyến trùng; 224 loài thực vật nổi; 78 loài động vật nổi; 125 loài động vật đáy; 84 loài cá, 118 loài san hô và 65 loài rong cỏ biển. Xác định những loài nguy cấp quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 (28 loài); IUCN 2014 (124 loài); Nghị định 32 (3 loài) và những loài sinh vật có giá trị kinh tế cao (35 loài).
Ngoài ra đã phát hiện 14 loài côn trùng gây hại cho cây trồng, trong đó cánh cứng hại dừa Brontispa longissima thuộc họ Cánh cứng ăn lá Chrysomelidae, là một trong những loài côn trùng ngoại lai xâm hại nghiêm trọng được ghi nhận trên các cây dừa trồng trên đảo. Mức độ gây hại khá nặng trên các cây dừa còn non.
Hai loài côn trùng y học thuộc bộ Hai cánh được ghi nhận trên đảo là Chrysomyia megacephala (Calliphoridae) và Musca sorbens (Muscidae). Đây là những vật chủ trung gian truyền nhiều loại bệnh cho người. Bên cạnh hai loài côn trùng y học, loài côn trùng thú y Stomoxys calcitrans truyền bệnh cho gia súc thuộc bộ Hai cánh cũng được phát hiện trên đảo.
Mặc dù số liệu và mẫu vật những loài sinh vật được nghi ngờ là mới cho Việt Nam và khoa học là rất phong phú, đề tài mới chỉ công bố 1 loài mới cho khoa học (thuộc nhóm tuyến trùng thực vật). Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã định tên chính xác lại một số loài sinh vật trước đây xác định chưa chuẩn xác (thuộc nhóm thực vật bậc cao, thú nhỏ).
Kết quả đó phần nào giúp cho các nghiên cứu, quan trắc đa dạng sinh học sau này tránh được một số nhầm lẫn không đáng có. Có thể nói đây là đề tài đầu tiên cung cấp được thành phần loài côn trùng và tuyến trùng (ký sinh thực vật, sống tự do ở biển) tại khu vực biển, đảo Bạch Long Vỹ.
Bên cạnh đó, đề tài xây dựng thành công bộ mẫu tiêu bản về sinh vật biển đảo Bạch Long Vĩ và bàn giao cho Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng, cũng như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phục vụ cho việc trưng bày và nghiên cứu; xây dựng được bộ chỉ thị cho việc quan trắc đa dạng sinh học vùng biển đảo Bạch Long Vĩ, áp dụng thử nghiệm 16 chỉ thị và xây dựng bản hướng dẫn quan trắc bộ chỉ thị đó.
Bộ chỉ thị có thể áp dụng triển khai ở các khu vực có cùng điều kiện; và xây dựng thành công phần mềm quản lý tài nguyên sinh vật, bản đồ (số hóa dữ liệu nghiên cứu trước đây và hiện tại).