Mùa Xuân về trên đảo Bạch Long Vĩ

Chỉ với lời mở đầu ca khúc “Bạch Long Vĩ đảo quê hương, em đứng trên Biển Đông, khoang xanh Phù Thủy Châu, mênh mông sóng bạc đầu, gió rì rào năm tháng…”, hòn đảo mang tên huyền thoại “khúc đuôi của rồng trắng” đã hiện ra một cách chân thực, về một vùng biển trời Đông Bắc bao la của Tổ quốc Việt Nam.

                                                                                             Đảo Bạch Long Vỹ. Ảnh: Internet

Ngược dòng lịch sử từ thế kỷ thứ 19 trở về trước, do không tìm thấy nguồn nước trên hòn đảo này nên cha ông ta mới đặt tên là đảo Vô Thủy, hay còn gọi là Phù Thủy Châu. Mãi đến năm 1920, sau khi tìm được nguồn nước ngọt trên đảo, dân cư vùng Quảng Yên (nay là thị xã Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh) mới tới đảo sinh sống, lập nghiệp bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và khai thác hải sản. Họ là ngư dân quanh năm bám biển, đa phần phụ nữ đi đánh bắt thủy hải sản theo chồng, có khi 2-3 tháng mới về đất liền.

Cuối năm 1965, khi Mỹ ném bom đánh phá Miền Bắc, trong đó Bạch Long Vĩ là điểm đánh phá đầu tiên nên toàn bộ dân cư trên đảo được sơ tán vào đất liền. Bám trụ canh giữ đảo từ thời điểm đó cho đến năm 1992 chỉ có Tiểu đoàn 152 (nay là Trung đoàn 952 Vùng I Hải quân) làm nhiệm vụ. Năm 1992, sau khi Chính phủ ra Nghị định 15 thành lập huyện đảo Bạch Long Vĩ thuộc Hải Phòng, thành phố đã tổ chức đưa 62 thanh niên xung phong và một số ngư dân đầu tiên ra sinh sống và làm việc tại đảo.

Chị Vũ Thị Ngân, Tổng đội thanh niên xung phong của đảo bồi hồi nhớ lại: Hồi đó đảo còn hoang vu lắm, nơi ở là lán trại tạm bợ, nguồn nước ngọt rất khan hiếm. Những chuyến tàu ra đảo ngày ấy phụ thuộc vào thời tiết, có khi 2 đến 3 tháng mới có một chuyến nên cả đảo trong ngóng những chuyến tàu từ đất liền ra chẳng khác “trông mẹ về chợ”. Bởi tàu ra là có tin tức từ quê nhà, có những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt đời thường và có cả rau xanh - thứ “đặc sản quý hiếm” nhất trên đảo thời ấy.

Song vượt qua những gian lao của cuộc sống, những thanh niên xung phong như chị Ngân đã lao vào xây dựng và hình thành nên những công trình đầu tiên trên hòn đảo “đầy nắng thừa gió” này. Đó là đường giao thông, trạm y tế, trường học, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, hệ thống điện sinh hoạt để phục vụ việc đưa những hộ gia đình đầu tiên từ đất liền ra định cư trên đảo, chủ yếu là ngư dân Hải Phòng và Thanh Hóa. Đặc biệt là công trình âu tàu có sức chứa từ 500 đến 1.000 tàu thuyền để phục vụ cho ngư dân làm ăn trên biển vào neo đậu mỗi khi có bão gió và trao đổi các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Bằng mồ hôi và tâm lực của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội Biên phòng, bộ đội Hải quân cùng những người dân trên đảo trong suốt 20 năm qua đã đổ xuống, đến mùa Xuân năm Quý Tỵ 2013 này, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã đổi thay toàn diện, trở thành một thị trấn bề thế mọc lên giữa trời nước bao la. Với màu xanh của những cánh rừng dương, rừng keo, xen lẫn những hàng dừa toả bóng mát cho các công trình điện-đường-trường-trạm và những trụ sở khang trang hiện đại.

Ông Đào Trọng Tuệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết: Năm 2012 được xem là năm “đột phá” cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới của huyện. Hiện, ngoài khu hậu cần nghề cá phía Nam của đảo có sức đáp ứng nhu cầu cung ứng dịch vụ dầu, nước, sửa chữa, neo đậu tránh bão cho khoảng 20.000 lượt tàu đánh bắt thủy sản ra vào mỗi năm, huyện đảo đang tiếp tục đầu tư xây mới một khu cảng lớn tương đương ở phía Bắc của đảo.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực vượt khó của chính quyền và nhân dân trên đảo, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 40 triệu đồng; tổng thu từ các ngành kinh tế, dịch vụ đạt gần 200 tỷ đồng, tăng 20,7% so với năm 2010; đời sống của nhân dân ổn định, có bước cải thiện, đảo không có hộ nghèo, nhiều hộ vươn lên làm ăn hiệu quả như nuôi bào ngư, buôn bán hàng hóa, dịch vụ có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Vì vậy, nếu những năm trước đây cứ gần Tết là nhân dân trên đảo lại về đất liền đón Tết, còn năm nay có tới 80% người dân ở lại ăn Tết tại đảo. Chị Hoàng Kim Yến, chủ nhà hàng dịch vụ nói: Bạnh Long Vĩ giờ là nơi đất lành chim đậu rồi, điều kiện sinh hoạt có khác gì đất liền nữa đâu. Như minh chứng cho lời nhận xét của chị Yến, từ dãy quán cà phê - karaoke đối diện, vọng ra giọng ca cao vút trẻ trung: “Bạch Long Vĩ đảo quê hương, em đứng trên Biển Đông...” át cả tiếng sóng xô bờ, báo hiệu mùa Xuân thứ 20 đầy niềm tin vào sự đổi thay phát triển đã đến với huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.



Văn Hào
Đón Tết sớm trên đảo Bạch Long Vỹ
Đón Tết sớm trên đảo Bạch Long Vỹ

Chuyến tàu cuối năm ra đảo Bạch Long Vỹ cùng những món quà gửi ra từ đất liền đã mang không khí Tết đến sớm với các chiến sĩ ở lại đảo canh giữ vùng biển, trời của Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN