Những án phạt hủy hoại sự nghiệp 40 năm
Theo quyết định mới nhất của Ủy ban đạo đức FIFA mới đưa ra, hai ông Sepp Blatter và Michel Platini sẽ bị cấm tham gia mọi hoạt động liên quan đến bóng đá trong vòng 8 năm, đồng thời nhận án phạt tiền.
Ủy ban đạo đức của FIFA buộc tội ông Blatter và Platini vi phạm quy chế của tổ chức này do “khoản chi thiếu minh bạch” (1,3 triệu bảng) mà Blatter trả cho huyền thoại người Pháp năm 2011. Theo ông Blatter, số tiền nêu trên là “thù lao” FIFA trả cho ông Platini khi huyền thoại người Pháp làm cố vấn FIFA trong giai đoạn từ năm 1998 - 2002. Trước đó, cũng vì cáo buộc trên, ông Blatter và Platini bị Ủy ban đạo đức FIFA đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá trong 90 ngày.
Một năm đầy biến động với tổ chức lớn nhất làng túc cầu. |
Cả hai vẫn phủ nhận các hành vi sai trái khi cho rằng khoản tiền có được từ các thỏa thuận miệng trước đó vào năm 1998 để Platini làm cố vấn kỹ thuật cho Chủ tịch FIFA. Theo luật pháp Thụy Sỹ, các thỏa thuận miệng như trên là hợp pháp.
Sepp Blatter đã làm việc 40 năm cho FIFA, đóng góp được rất nhiều trong việc phát triển bóng đá trên toàn thế giới. Trong khi đó ông Platini dẫn dắt UEFA đã được 8 năm liền cũng phải chịu chung bản án dù phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc.
Việc các điều khoản thỏa thuận miệng nói trên phải 9 năm sau mới được thanh toán (năm 2011) khiến Ủy ban Đạo đức FIFA kết luận là không minh bạch, dù khi ấy không phải là thời gian tranh cử.
Năm ứng cử viên cho chức Chủ tịch FIFA, gồm: Hoàng tử Ali Bin Al Hussein - chủ tịch Liên đoàn bóng đá Jordan, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) người Bahrain Sheikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa, ông Tokyo Sexwale, người Nam Phi, đứng đầu nhóm chống phân biệt chủng tộc của FIFA, ông Gianni Infantino (có hai quốc tịch Thụy Sĩ và Italy) - Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và ông Jerome Champagne, người Pháp - nguyên Phó Tổng thư ký FIFA. |
Trong bản thông báo, FIFA cho biết án phạt có hiệu lực ngay lập tức đồng nghĩa với việc cả hai ông đều không được tham dự các hoạt động bầu cử nhiệm kỳ mới diễn ra vào cuối tháng 2 tới. Cùng với mức án cấm các hoạt động bóng đá, cả hai còn phải trả tiền phạt bao gồm của Blatter là 33 nghìn bảng, Platini phải trả 53 nghìn bảng.
Ở tuổi 80 và đang phải trải qua cơn bạo bệnh vì suy sụp tinh thần, ông Sepp Blatter vẫn khẳng định ông sẽ trở lại tại buổi họp báo sau khi nhận án phạt: “Trái tim và khối não của tôi vẫn vững vàng dù cơ thể buộc tôi ngã quỵ”. Theo ông, việc ông phải chịu án của Tòa án Trọng tài thể thao chỉ khiến ông mất chức Chủ tịch FIFA chứ không ngăn được ông trở lại.
Báo chí và cả các quan chức châu Âu được dịp hỉ hả bởi từ lâu họ đã không ưa cách điều hành chuyên quyền, mở rộng ưu đãi cho các vùng trũng bóng đá của ông Blatter. Hầu hết trên các trang mạng xã hội của báo chí hoặc những nhà báo thể thao đều cho rằng ông Blatter không còn đường quay lại. Việc ông xin lỗi người hâm mộ kèm theo kết luận rằng mình chỉ là một "quả bóng tập đấm bốc" trong tổ chức quyền hành nhất làng túc cầu khiến nhiều người nhận xét là ông không có thành ý cho việc xin lỗi kể trên.
Chuyện chưa đến hồi kết
Cả hai đều hết sức quyết tâm đưa vụ việc ra tận Tòa án Trọng tài thể thao (CAS). Và nếu thất bại ở thêm tòa án này, họ vẫn còn cơ hội kháng án tại Tòa án tối cao Thụy Sỹ. Vì thế, vụ việc đến đây chưa phải đã ngã ngũ. Tuy nhiên, án phạt chắc chắn khiến Platini lỡ mất cuộc tranh cử vào vị trí Chủ tịch FIFA mà ông theo đuổi diễn ra vào tháng 2/2016.
Tạm thời, người tiếp tục lãnh đạo UEFA sẽ là ông Angel Maria Villa Llona, Phó Chủ tịch cấp cao của tổ chức này. Trong thông cáo mới đây. UEFA tuyên bố "vô cùng thất vọng" với án phạt và sẽ hỗ trợ Platini trong việc "thúc đẩy tiến trình và cơ hội làm trong sạch tên tuổi".
Với FIFA, việc một đối thủ sáng giá như Platini chia tay cuộc tranh cử ngày 26/2 để lại có hội cho những người còn lại. Trong đó, hoàng thân Bahrain Sheikh Salman bin Ebrahim al-Khalifa - Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á từ năm 2013 - được xem là người khả quan nhất với sự ủng hộ của các quốc gia thành viên châu Á từ AFC và một số quốc gia châu Âu. Trước đó, ông vốn không có ý định ra tranh cử và toàn lực ủng hộ Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Michel Platini, người vốn là bạn thân của ông. Tuy nhiên, lãnh đạo bóng đá châu Á năm nay 49 tuổi đã đưa ra quyết định tranh cử Chủ tịch FIFA sau khi ông Michel Platini dính phải cáo buộc nhận hối lộ và bị đình chỉ hoạt động bóng đá trong 90 ngày vào ngày 8/10.
Hai ứng cử viên khác có cơ hội ngang ngửa là hoàng tử Ali Bin Al Hussein và Tổng thư ký UEFA Gianni Infantino (45 tuổi). Hoàng tử Ali có sự hậu thuẫn của bóng đá châu Á và châu Phi. Trong khi đó, ông Infantino được lựa chọn với mong muốn đưa vị trí Chủ tịch FIFA về lại với châu Âu với sự ủng hộ khá lớn tại khu vực Nam Mỹ CONMEBOL và khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribê CONCACAF.
Nhưng dù là ai thắng cử cũng sẽ nhận về một tổ chức đang trong giai đoạn rối ren. Điều quan trọng nhất là tổ chức ấy cần lấy lại niềm tin của toàn thế giới trong bối cảnh sẽ vẫn còn rất nhiều các cuộc điều tra liên quan đến các thành viên cấp cao trong tổ chức.
Điểm mặt các thành viên trong Ban điều hành FIFA 2010 tức là cách nay chỉ một nhiệm kỳ, trong tổng số 22 người thì ngoài 3 người đã về hưu và 1 người đã mất thì chỉ có 5 người còn yên ổn tại vị, còn lại hầu hết đều đang bị điều tra, truy tố hay nhận các án phạt thậm chí là không được tham gia vào các hoạt động bóng đá trọn đời.
Ông Blatter có thể được trắng án, ông Platini có thể được minh oan tên tuổi nhưng câu chuyện một khi đã phát đi thì vẫn sẽ tiếp tục lan rộng - về một FIFA, đại diện của cả thế giới bóng đá còn quá nhiều uẩn khúc, rối ren.