Áo đối đầu với Hungary là trận chiến bóng đá của hai quốc gia mà hơn một thế kỉ trước đã từng là một, là nơi của những giấc mơ lãng mạn, và sau đó, khi Thế chiến thứ nhất dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Habsburg qua đi, chia đế quốc ấy thành hai quốc gia như bây giờ, là một câu chuyện khác.
Đó là câu chuyện về niềm đam mê thể thao, khi bóng đá trở thành âm nhạc, nhịp điệu, niềm vui. Một cuộc cách mạng về văn hóa đã diễn ra trong lòng Áo và Hungary trong những năm đó. Bóng đá cũng thế. Thứ bóng đá thô kệch từ thuở khai sinh với những ông thầy người Anh khô khan đã nhường chỗ cho sự uyển chuyển và lãng mạn như những điệu valse của Johan Strauss.
Đội tuyển Hungary tập luyện trước giờ đấu. Ảnh: EPA |
Điều gì đã xảy ra? Sau Thế chiến I, bóng đá trở thành môn thể thao phổ biến nhất và người ta nói về nó ở khắp nơi, đặc biệt là trong các quán bar. Trung tâm của mọi câu chuyện là quán Ring Cafe ở Vienna, nơi mà các nghệ sĩ, nhà văn, cầu thủ và HLV bàn tán về chiến thuật bóng đá. Hugo Meisl, một kế toán, cũng có mặt trong số họ. Và trong vài năm sau đó, ông trở thành một HLV bóng đá, người đã khai sinh ra sơ đồ bóng đá huyền thoại WM, một chiến thuật mới, một lối đá mới. Người Áo thi triển lối đá đó đầu tiên, sau đó đến người Hung, dù không còn gắn liền với Áo nữa, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa.
Trong khi người Anh chỉ thích bóng dài và chạy, Meisl chủ trương chuyền bóng ngắn và chính xác trong những di chuyển có bóng và không bóng nhịp nhàng. Trong triết lí của Meisl, các trung phong đóng vai trò then chốt trong việc tạo lập lối chơi và di chuyển của cả đội. Matthias Sindelar, người thể hiện hết những đặc tính mà Meisl kì vọng, đã trở thành biểu tượng của bóng đá valse Danube khi đưa Áo lên bản đồ thế giới những năm 1930 với tư cách là “Wunderteam”, “đội bóng tuyệt diệu” nhờ lối chơi rất đẹp và uyển chuyển. Nhưng đội bóng ấy không gặt hái được nhiều thành công. Ngoài một Cúp quốc tế vào năm 1932, họ đã vào đến chung kết World Cup 1934. Vào năm 19, câu chuyện cổ tích ngắn ngủi ấy kết thúc một cách buồn bã khi Áo bị Hitler sáp nhập vào Đức.
Sau Thế chiến II, những điệu valse trở lại trên sân cỏ, lần này không bắt đầu từ Vienna, mà là Budapest. Một người Anh và là bạn của Meisl, Jimmy Hogan, đã đưa bóng đá đến cái nơi mà sau Thế chiến I, đã từng là đam mê lớn lao, nhưng không để lại ấn tượng nào. Tất cả chỉ bắt đầu sau khi Gusztav Sebes, một học trò của Hogan, nắm quyền HLV đội tuyển Hungary. Đấy là một đội bóng trong mơ không chỉ với các cổ động viên mà còn tạo ra đam mê với bao nhà viết sử bóng đá. Đội hình của những Puskas, Kocsis, Bozsik, Czibor, và đặc biệt là Hidegkuti đã tạo ra ấn tượng về một thứ bóng đá mê li tiếp nối thành công mà đội Áo đã tạo ra ba thập kỉ trước đó với một cơn mưa bàn thắng và những chiến thắng. Ngày 25/11/1953, Hungary đã dạy người Anh, cha đẻ của bóng đá hiện đại, một bài học ở Wembley. Thế giới đã và sẽ còn nói về trận thắng lịch sử 6-3 ấy nhiều năm nữa. Hungary sau đó đã thua Tây Đức trong trận chung kết World Cup 1954. Hai năm sau đó, câu chuyện cổ tích của đội tuyển ấy cũng chấm dứt một cách đau đớn vì chính trị như đã từng xảy ra ở Áo: sự kiện 1956 đã khiến bóng đá giấc mơ kết thúc.
Hơn nửa thế kỉ sau ngày đó, lịch thi đấu của EURO 2016 đã đưa những quyền lực cũ kĩ của bóng đá thế giới ấy gặp nhau trong một trận đấu. Đó là một sự kiện hy hữu, một câu chuyện có một không hai và do đó gợi lên những kí ức đẹp đẽ đã có kết cục như lịch sử đã ghi nhận. Từ một ý tưởng bóng đá khai sinh trong một quán cà phê ở Vienna cho đến những trận đấu để của họ những năm trước trước và sau các cuộc đại chiến ấy, bóng đá đã đi những chặng đường rất dài. Bản thân các đội tuyển ấy cũng thế, trồi trụt thăng trầm cùng với lịch sử đất nước và phong độ của các thế hệ cầu thủ. Áo chưa bao giờ trở lại ngày xưa nữa. Hungary cũng thế, dù đã có lúc người ta nhìn thấy một đội tuyển mạnh từ họ vào trước World Cup Mexico 1986.
Bây giờ, họ trở lại sân khấu lớn của bóng đá châu Âu, sau một hành trình dài từ Sindelar cho đến Puskas, và sau đó là một khoảng trống vô cùng lớn của các thế hệ sau. Các điệu valse bóng đá Danube chậm rãi và thanh lịch ngày đó đã nhường chỗ cho bóng đá tốc độ, thể lực, theo nhịp điệu rock. Nhưng dù kết quả trận đấu đêm nay giữa Áo và Hungary có kết quả như thế nào đi nữa, những hoài niệm của thời xưa cũ đã sống lại, và làm không ít những trái tim yêu bóng đá thế giới bồi hồi...