Kể từ khi được thành lập vào năm 1991, giải vô địch bóng đá nữ thế giới đã phát triển song hành cùng với môn thể thao này.
Từ mức giải thưởng cao hơn cho đến 8 đội mới, đó là những yếu tố khiến mùa giải năm nay trở thành một giải đấu không giống bất kỳ giải đấu nào khác.
1. Đồng tổ chức
Năm nay sẽ là lần đầu tiên World Cup nữ được tổ chức bởi hai liên đoàn là New Zealand và Australia.
Các trận đấu sẽ diễn ra trên 10 sân vận động ở 9 thành phố khác nhau. Các đội tuyển sẽ phải di chuyển khắp nơi để thi đấu.
5 thành phố của Australia gồm Sydney, Melbourne, Brisbane, Adelaide và Perth sẽ tổ chức 35 trận đấu, trong khi 4 thành phố của New Zealand gồm Auckland, Hamilton, Wellington và Dunedin sẽ tổ chức 29 trận.
Sân vận động Eden Park ở Auckland là nơi diễn ra trận khai mạc giữa New Zealand và Na Uy vào ngày 20/7 và Sân vận động Australia ở Sydney sẽ chào đón đám đông người hâm mộ trong trận chung kết ngày 20/8.
Cả hai quốc gia trên đều có lịch sử thể thao phong phú nhưng chưa từng vô địch giải đấu. Đội tuyển quốc gia nữ Mỹ dẫn đầu về số lần chiến thắng World Cup, với 4 lần đăng quang trong 8 kỳ tổ chức trước đó.
Đây cũng là giải đấu đầu tiên được tổ chức ở Nam bán cầu và có thể tạo lợi thế cho hai đội chủ nhà.
Hiện tại là mùa đông tại khu vực này và thời tiết được dự đoán là mát mẻ, dễ chịu và có khả năng xảy ra mưa, đặc biệt là trong các trận đấu được tổ chức ở New Zealand.
2. Giải đấu lớn nhất từ trước đến nay
Lần đầu tiên, có tổng cộng 32 đội sẽ cạnh tranh cho giải thưởng năm nay. Đây là giải đấu có nhiều quốc gia nhất tham gia tranh tài.
Kỳ World Cup nữ đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 1991 chỉ gồm 12 đội, nhưng năm 1999 đã mở rộng thành 16 đội.
Các nhà tổ chức tiếp tục mở rộng giải đấu vào năm 2015 với 24 đội tham gia. Nhưng sự kiện năm nay sẽ lần đầu tiên tương đồng với quy mô của World Cup nam.
32 quốc gia đã được chia thành 8 bảng, với hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ lọt vào vòng loại trực tiếp.
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cho biết giải đấu này đang trên đà trở thành sự kiện thể thao độc lập dành cho nữ được tham dự nhiều nhất trong lịch sử.
FIFA xác nhận rằng gần 1,4 triệu vé đã được bán ra, vượt qua con số 1.353.506 khán giả xem World Cup 2015 tại Canada.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nói với các phóng viên vào tháng trước: “Phái nữ chính là tương lai và cảm ơn người hâm mộ đã ủng hộ giải đấu sẽ là Giải vô địch bóng đá nữ thế giới vĩ đại nhất từ trước đến nay”.
Những kỷ lục về lượng khán giả tham dự nhiều khả năng sẽ bị xô đổ trong ngày khai mạc.
Cả hai nước chủ nhà New Zealand và Australia đều trên đà phá kỷ lục về số lần tham gia các trận bóng đá nữ quốc gia của chính họ.
3. 8 đội tân binh
Số đội nhiều hơn đồng nghĩa với việc có 8 quốc gia chưa từng góp mặt tại một vòng chung kết World Cup trước đây.
Haiti, Cộng hòa Ireland, Maroc, Panama, Philippines, Bồ Đào Nha, Việt Nam và Zambia là những tân binh ra mắt vào cuối tháng này, hứa hẹn sẽ thổi luồng sinh khí mới cho cuộc thi.
Đội tuyển Zambia xếp thứ 77 thế giới là đội có thứ hạng thấp nhất trong giải đấu.
Trong khi đó, đội tuyển nữ Maroc đã tiếp tục đà thăng hoa đáng kinh ngạc của nền bóng đá nước nhà. Atlas Lionesses đã lọt vào trận chung kết Cúp bóng đá nữ châu Phi năm ngoái trước khi bị Nam Phi đánh bại.
Xếp hạng 53 trên thế giới, Haiti là một đội mới ra mắt khác, có thể làm đảo lộn tỷ lệ cá cược ở Australia và New Zealand.
Đất nước này có thể không nổi tiếng về tài năng bóng đá, nhưng đội tuyển nữ của họ lại sở hữu một trong những cầu thủ trẻ thú vị nhất thế giới.
Melchie Dumornay, 19 tuổi, vừa ký hợp đồng với Olympique Lyonnais - một trong những đội bóng nữ xuất sắc nhất châu Âu - và sẽ gây tác động trên đấu trường quốc tế.
“Có Melchie là chìa khóa. Cô ấy mang đến cho chúng tôi nhân tố X bất ngờ”, huấn luyện viên Haiti Nicolas Delepine nói.
Mặc dù những làn gió mới xuất hiện có thể được coi là tiến bộ của giải đấu, nhưng có những lo ngại rằng nó có thể dẫn đến một số trận đấu phiến diện.
Tại mùa giải năm 2019, Mỹ đã đánh bại Thái Lan với tỷ số 13-0 trong một trận đấu làm dấy lên cuộc tranh luận về sự chênh lệch giữa các quốc gia. Một số quốc gia đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực để cạnh tranh với các cường quốc của môn thể thao này.
Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào những tân binh của năm nay.
4. Thù lao cao lịch sử
Tổng tiền thưởng cho World Cup nữ 2023 là 110 triệu USD, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019 và gấp 7 lần so với năm 2015. Mọi cầu thủ tham gia thi đấu năm này đều sẽ nhận được tiền thù lao từ FIFA.
Những người tham gia sẽ nhận được một số tiền nhất định tùy thuộc vào mức độ tiến sâu của đội trong giải đấu. Tất cả sẽ nhận được 30.000 USD để vượt qua vòng bảng. Khoản tiền đó sẽ được nhân đôi cho những người lọt vào Vòng 16 đội.
Tiền thưởng sẽ tăng lên ở mọi cấp độ. Đội vô địch World Cup sẽ mang về nhà 270.000 USD mỗi người.
“Theo mô hình phân phối mới chưa từng có này, mỗi cá nhân cầu thủ tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023 hoàn toàn có thể nhận được tiền thù lao cho những nỗ lực của họ trong suốt giải đấu”, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nhấn mạnh.
Theo ông, mức lương trung bình toàn cầu của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nữ là khoảng 14.000 USD hàng năm, vì vậy số tiền thù lao được phân bổ theo mô hình mới sẽ có tác động thực sự ý nghĩa đến cuộc sống và sự nghiệp của những cầu thủ này.
Đối với các đội tuyển, các liên đoàn quốc gia đều sẽ nhận được 1.560.000 USD khi lọt vào vòng bảng. Phần thưởng sẽ tăng lên trong suốt giải đấu và nhà vô địch cuối cùng mang về nhà 4.290.000 USD.
Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Thế giới (FIFPRO) mong muốn mô hình chi trả mới đó sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho những điều sắp xảy ra đối với nền bóng đá nữ.
Chủ tịch FIFPRO David Aganzo cho biết: “Chìa khóa đằng sau sự thành công của mô hình này là nó được áp dụng rộng rãi và công bằng, đó là điều mà các cầu thủ nữ nói với chúng tôi rằng họ mong muốn hơn tất cả. Chúng tôi thấy đây chỉ là khởi đầu của một hành trình chuyển đổi cho nền bóng đá chuyên nghiệp nữ cùng với FIFA”.