Liên đoàn bóng đá châu Á từng khuyến cáo, bóng đá Việt Nam vẫn chưa đạt mô hình kim tự tháp, càng xuống thấp chân đế càng rộng. Đây là cách làm bóng đá không bền vững và không chuyên nghiệp.
Ở V-League mùa giải 2000, bóng đá Việt Nam khi ấy bắt đầu chập chững bước lên chuyên nghiệp và chỉ có 10 câu lạc bộ tham gia. Đến mùa giải 2003, số lượng đội tăng lên 12 đội. Năm 2006, số lượng đội bóng tăng lên là 13 đội. Đến nay ở đấu trường bóng đá số 1 Việt Nam số đội đang là 14.
Ngay từ những ngày đầu bóng đá Việt lên chuyên nghiệp, các đội bóng tranh tài ở hạng Nhất luôn ít hơn V-League. Không những thế giải đấu này lại ngày càng teo tóp, nhiều giai đoạn dường như chỉ tổ chức "để cho có". Đáng chú ý là mùa giải 2013, nhiều đội bóng giải thể do hàng loạt ông bầu bỏ bóng đá, khiến giải hạng Nhất khi đó chỉ còn 8 đội. Thậm chí, đến mùa giải 2017 chỉ còn lại 7 đội. Đến mùa giải năm nay, sau rất nhiều nỗ lực đã tăng lên được 12 đội.
Trong khi đó ở giải hạng Ba thì tình trạng vẫn lay lắt, thậm chí kém cả các giải bóng đá phong trào.
Có thể nói, V-League trong thời đại kim tiền lại chủ yếu tập trung mua ngôi sao và ngoại binh mà không phát triển các lứa cầu thủ trẻ kế cận. Thế nên, chúng ta mới đi ngược với thế giới trong suốt một thời kỳ dài.
Các huấn luyện viên ngoại khi đến Việt Nam đều đã chỉ ra những vấn đề "bất cập" đó của bóng đá Việt Nam sau rất nhiều năm. HLV trưởng đội tuyển Việt Nam hiện tại Park Hang-seo cũng đưa ra nhiều ý kiến về những bất cập của V-League hiện nay, khiến quá trình tìm kiếm, tuyển chọn gương mặt mới cho ĐTQG gặp khó.
Việc có ít đội bóng ở hạng Nhất, hạng Nhì nên các cầu thủ trẻ không có cơ hội được thi đấu. Bởi ở đấu trường V-League, nhiều cầu thủ trẻ dù tài năng nhưng vẫn không thể cạnh tranh suất chính ở đội 1. Điển hình như có nhiều tuyển thủ U23 từng thi đấu khá ấn tượng tại Thường Châu 2018 nhưng khi trở lại các câu lạc bộ vẫn phải thường xuyên ở ghế dự bị.
Các CLB thường chịu áp lực thành công cấp kỳ, vì vậy đòi hỏi phải có những cầu thủ giàu kinh nghiệm, đẳng cấp ngôi sao hay đã khẳng định được tên tuổi. Nhiều HLV không dám thử nghiệm cầu thủ trẻ, vì ghế của họ sẽ "rung lắc" nếu không thành công.
Bên cạnh đó, các CLB lớn thường có những hợp đồng quảng cáo. Do đó, mua những cầu thủ có tiếng về đánh bóng hình ảnh là điều bắt buộc với các CLB. Ép các cầu thủ trẻ cạnh tranh với những ngôi sao thì ai thắng ai bại đã rõ. Những lý do này khiến cánh cửa lên đội 1 của các cầu thủ trẻ hẹp lại.
VFF quyết định điều chỉnh quy hoạch số lượng đội tham dự giải bóng đá VĐQG, hạng Nhất quốc gia và hạng Nhì quốc gia giai đoạn 2021 - 2023. Theo đó, giải bóng đá VĐQG vẫn là 14 đội. Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia và Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia cùng được tăng lên 14 đội.
Mùa giải 2020, đội xếp thứ 12 tại giải bóng đá hạng Nhất quốc gia sẽ xuống thi đấu tại giải hạng Nhì quốc gia vào năm 2021 và giải bóng đá hạng Nhì quốc gia sẽ có 3 đội được lên thi đấu tại giải bóng đá hạng Nhất quốc gia vào năm 2021. Như vậy, sau 9 năm chỉ có 7 - 12 đội tham dự, giải hạng Nhất 2021 sẽ trở lại 14 đội tham dự
Lý giải về việc tăng số đội giải hạng Nhất quốc gia và điều chỉnh số lượng đội tại giải hạng Nhì, theo đại diện VFF là để góp phần nâng cao tính cạnh tranh, tăng chất lượng các giải đấu, đúng với lộ trình trong việc quy hoạch số lượng đội bóng tại các giải Bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp quốc gia từ năm 2021. Bên cạnh đó, tăng số lượng đội thi đấu tại giải hạng Nhất và hạng Nhì cũng giúp cho đội tuyển quốc gia có thêm nhiều cơ hội tuyển chọn nhân tài bên cạnh “mặt trận chính” là giải vô địch quốc gia.
Phương án này được các CLB đồng thuận cao và ban chấp hành VFF đồng ý thông qua, tạo điều kiện để các địa phương phát triển phong trào.
Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có đặt ra yêu cầu cải tiến các giải trẻ để mỗi cầu thủ thuộc lứa U21 có thể đá được tối thiểu 20 trận/năm. Đây là thông số mà hiện này, chỉ các cầu thủ trẻ được lên đội tuyển quốc gia, đá chính may ra đáp ứng được.
Đây được xem là một sự thay đổi cần thiết, sau rất nhiều năm bóng đá Việt Nam đi ngược với quy luật của bóng đá cũng như cả thế giới.
Giải đấu bóng đá cao nhất của Thái Lan (Thai League 1) có 18 đội, Thai League 2 có 18 đội, Thai League 3 là 25 đội và Thai League 4 có đến 61 đội. Đây được xem là một mô hình khá chuẩn khi có chân đế khá vững chắc.