Căn bệnh lờn thuốc

Cuối cùng thì Ban kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định phạt 20 triệu đồng và cấm thi đấu 3 trận đối với trung vệ Chí Công của CLB XSKT Cần Thơ sau hành vi cố tình đạp vào người cầu thủ trẻ Văn Thái Quý (CLB Hà Nội) trong khuôn khổ trận đá bù vòng 11 V.League 2017 vừa diễn ra trên sân Cần Thơ.

Phút 70 của trận đấu, Thái Quý đã bị trung vệ Chí Công liên tiếp giẫm chân lên người sau một tình huống va chạm, khiến cầu thủ này quằn quại trong đau đớn.

Đây không phải là lần đầu tiên Chí Công bị phạt về hành vi bạo lực sân cỏ. Năm 2015, khi đang thi đấu cho Đồng Tâm Long An, Chí Công bị phạt nguội với hành vi phi thể thao khi nhổ nước bọt vào mặt hậu vệ Văn Học (SHB Đà Nẵng).

Trung vệ Chí Công bị phạt vì lỗi chơi xấu.

Năm 2016, khi đã đầu quân cho Cần Thơ, Chí Công bị “treo giò” đến 5 trận với hành vi lăng mạ, xúc phạm trọng tài. Trước đó, trung vệ này từng có pha bay người đạp ngang chân khiến tiền đạo Evaldo của Hà Nội ACB bị chấn thương nặng phải phẫu thuật, sau đó giải nghệ.

Có thể nói, bạo lực sân cỏ đang là căn bệnh lờn thuốc, làm xấu hình ảnh V.League và cản trở sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Sự cố xảy ra ở trận đấu giữa CLB XSKT Cần Thơ và CLB Hà Nội vừa qua đã nói lên tất cả. Đáng lẽ, sau hành động phi thể thao của Chí Công, lực lượng giám sát trận đấu phải thể hiện rõ thái độ cứng rắn, tuy nhiên mọi việc đã được bỏ qua. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, Ban kỷ luật của VFF vào cuộc thì vụ việc mới được xử lý. Rồi trách nhiệm của tổ trọng tài điều khiển trận đấu, đặc biệt là trách nhiệm của trọng tài chính Nguyễn Đức Dũng, khi ông không hề rút thẻ đối với hành động của Chí Công. 

Đây thực sự là điều khó hiểu, bởi sau giai đoạn lượt đi V.League, lực lượng "vua sân cỏ" bị dư luận lên án dữ dội, nhiều người bị treo còi, nhưng đáng tiếc, công tác trọng tài vẫn chưa được cải thiện.

Giới chuyên môn cho rằng, tình trạng bạo lực sân cỏ bùng phát, có nguyên nhân từ sự dung túng, thiếu bản lĩnh của đội ngũ trọng tài. Phần lớn trọng tài ở V. League không thể hiện được cái uy trên sân cỏ. Cái uy thể hiện qua tác phong bên ngoài, đến cử chỉ, lời nói đòi hỏi phải chuẩn mực, đàng hoàng, cương quyết khi điều khiển các trận đấu...

Có quan điểm cho rằng, trong bóng đá chuyên nghiệp, nếu chơi thiếu máu lửa, thiếu nhiệt huyết, thì bóng đá sẽ không còn bản sắc và không có sức hút khán giả. Tuy nhiên, thi đấu máu lửa không đồng nghĩa với đá thô bạo. Khán giả đến sân là để thưởng thức thứ bóng đá đẹp, không phải để xem những màn đấu võ. 

Trong bóng đá thắng thua là chuyện bình thường. Nhưng nó sẽ trở thành mối lo và thực sự là nguy cơ nếu những người cầm cân nẩy mực thất bại trong việc giáo dục đạo đức cho các cầu thủ. Còn với các cầu thủ, nếu họ cứ giữ lối chơi bạo lực, coi nhẹ đôi chân đồng nghiệp, chắc chắn sẽ lĩnh hậu quả khi đi thi đấu ở đấu trường quốc tế.

Những gì diễn ra ở V.League khiến người hâm mộ ngày càng mất niềm tin vào bóng đá nước nhà. Điều dư luận quan tâm lúc này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có thực sự quyết tâm tuyên chiến với nạn bạo lực sân cỏ? Nếu các câu lạc bộ không chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức cầu thủ, bạo lực sân cỏ tiếp tục được dung túng, thì khán đài V.League ngày càng thưa vắng khán giả là không tránh khỏi.


Yến Nhi/Báo Tin Tức
Án phạt nặng cho CLB Long An: Chủ tịch bị cấm 3 năm, hai cầu thủ bị treo giò 2 năm
Án phạt nặng cho CLB Long An: Chủ tịch bị cấm 3 năm, hai cầu thủ bị treo giò 2 năm

Chiều tối 21/2, Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã họp để xem xét xử lý kỷ luật đối với những vi phạm tại vòng 6 giải bóng đá vô địch Quốc gia - Toyota 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN