Năm 1993, Argentina với Gabriel Batistuta lĩnh xướng hàng công đã bảo vệ thành công danh hiệu Copa America, được tổ chức tại Ecuador. Đó cũng là giải đấu đánh dấu lần đầu tiên có khách mời đến từ ngoài khu vực Nam Mỹ, nâng tổng số đội tham dự lên 12. Argentina giành chức vô địch với đúng 6 bàn thắng, và một nửa trong số đó thuộc về Batistuta. Ông chỉ đạt hiệu suất tương đương 1/2 thành tích đưa bản thân đến với danh hiệu Vua phá lưới năm 1991.
26 năm trôi qua kể từ lần Argentina chiến thắng ở Ecuador, cũng là chiến thắng thứ 14 trong lịch sử của đội tuyển "Xứ Tango", bóng đá Nam Mỹ trải qua không ít thay đổi. Đã có 9 kỳ Copa America đươc tổ chức, với quá nhiều sự điều chỉnh về mốc thời gian (theo chu kỳ 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm). Trong thời gian này, người Colombia lần đầu tiên giành vinh quang năm 2001. Trong 2 kỳ gần nhất, 2015 và 2016, Chile là đội vô địch. Uruguay và Brazil là những đội khác từng đăng quang. Chỉ riêng Argentina là thất bại.
Thất bại ở các giải đấu lớn trở thành thói quen của Argentina. Trong 5 giải đấu gần nhất, trước khi Brazil đăng cai năm 2019, Argentina có đến 4 lần vào chung kết và luôn làm nền cho đối thủ tỏa sáng. Ngoại trừ năm 2011 bị loại ngay từ Tứ kết, dù là chủ nhà, trong 4 lần khác vào chung kết thì Argentina có 2 thất bại trước Brazil, 2 lần thua Chile.
26 năm, rất nhiều thế hệ cầu thủ xuất hiện, với 12 triều đại HLV (tính cả các trường hợp có 2 lần dẫn dắt đội), lịch sử bóng đá Argentina chỉ kéo dài thêm những trang thất bại.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên Argentina trắng tay ở Nam Mỹ lâu đến thế. Trước khi vô địch liên tiếp các kỳ 1991 và 1993, Argentina không thể giành Copa America trong suốt 32 năm (từ 1959). Dù sao, trong 32 năm ấy, “La Albiceleste” có 2 lần giành World Cup (1978 và 1986), nên giải đấu khu vực không đặt nặng. Trước đây, Brazil còn nhìn giải đấu “bằng nửa con mắt”.
Năm 1991, Argentina mang đến Chile đội hình 22 cầu thủ, thì 19 người chưa từng dự một vòng chung kết nào (tính từ Copa America đến World Cup). Đội hình ấy đã tạo nên sự cạnh tranh, giới thiệu hàng loạt ngôi sao lớn cho Argentina lẫn châu Âu. Dường như Lionel Scaloni muốn lịch sử lặp lại, bằng cách triệu tập đội hình lạ lẫm đến Brazil.
13 trong 23 cầu thủ mà HLV Scaloni gọi cho Copa America 2019 chưa từng dự giải đấu nào trước đó. Nhưng vấn đề là Scaloni gọi vào đội tuyển những cầu thủ tài năng chỉ mức độ trung bình, chứ không phải đội ngũ có nhiều khát khao như năm 1991, được dẫn bởi HLV Alfio Basile. Những người mới của Scalini đều chất lượng tệ. Ông kết hợp với các cựu binh vốn không còn ở đỉnh cao phong độ (đặc biệt là Otamendi và Di Maria).
Một trường đại học ở Argentina đã khảo sát người hâm mộ về Copa America 2019 khi HLV Scaloni công bố đội hình. Theo đó, chỉ có 10% số người Argentina được hỏi tỏ ra quan tâm đến giải đấu. Người Argentina đã mất niềm tin vào đội tuyển từ lâu rồi. Nhìn đội hình lạ lẫm, dựa trên rất nhiều cầu thủ đá ở trong nước, càng làm cho niềm tin bị hao mòn.
Kết quả ở Brazil đã chứng minh điều đó. HLV Scaloni rất kém về chiến thuật, khi ông mãi loay hoay với nhiều công thức khác nhau, trong từng trận đấu. Argentina của HLV Scaloni thi đấu nhạt nhòa, tâm lý kém và tinh thần cũng rất yếu. Sau trận tranh hạng Ba, nếu Scaloni không từ chức thì có lẽ ông cũng bị sa thải. Cùng với sự tù túng về lối chơi, thật khó để bảo rằng Scaloni đang xây dựng đội ngũ cho World Cup 2022. Bởi vì, Scaloni rất yêu thích các tân binh đã trên 30 tuổi (4 cầu thủ đã hơn 31, nhưng chưa đạt 10 trận quốc tế, tính đến sau trận thua Brazil 0-2).
Thất bại đã trở thành thói quen của Argentina. Sắp tới, sẽ lại một thói quen khác: sa thải HLV và tiếp đó là cuộc cách mạng đội tuyển.