Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) đã ấn định thời điểm trở lại chính thức của Eredivisie vào ngày 19/6. Đây là giải đấu lớn đầu tiên ở châu Âu lên lịch cụ thể cho việc tái xuất, chỉ còn chờ Chính phủ chấp thuận. Nếu đúng như dự kiến, mùa giải 2020 sẽ được kết thúc vào cuối tháng 7. Mùa giải tiếp theo ở Hà Lan sẽ bắt đầu vào tuần lễ thứ ba của tháng 8 và tổ chức luôn các trận đấu trong kỳ nghỉ Giáng sinh để kịp tiến độ.
Hà Lan hiện đứng thứ 12 thế giới với số trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 là hơn 20.500 người, số ca tử vong là gần 2.250 và 250 ca đã khỏi bệnh.
KNVB cam kết sẽ tổ chức trọn vẹn mùa giải, theo đó, yêu cầu các CLB tập luyện trở lại đào tạo vào ngày 15/5, trước mắt trong phạm vi từng nhóm nhỏ, sau đó cả đội có thể tập luyện cùng nhau, dự kiến từ ngày 29/5.
Liên đoàn bóng đá Đức (DFL) có thể cũng cho phép Bundesliga trở lại sớm.
Quy định hạn chế xã hội tại Đức có hiệu lực đến ngày 19/4, DFL sẽ nhóm họp vào ngày 17/4 để đánh giá tổng thể về kế hoạch tiếp tục mùa giải. Giải Bundesliga đã tạm hoãn từ ngày 13/3 do đại dịch COVID-19, theo Giám đốc điều hành DFL Christian Seifert cho biết, dự kiến 9 vòng đấu cuối Bundesliga 2020 sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 6.
Chắc chắn các trận đấu sẽ diễn ra trên sân không có khán giả và phương án này thậm chí có thể kéo dài đến hết năm 2020. Mỗi trận đấu ở Bundesliga sẽ chỉ có 250 người trong sân, gồm cầu thủ, ban huấn luyện, đội ngũ y tế, trọng tài và lực lượng sản xuất truyền hình.
Đức là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh khi tính đến ngày 9/4, nước này đã thông báo trên 113.000 ca nhiễm và trong số này, đã có hơn 2.300 ca tử vong. Một thông tin lạc quan khi quốc gia Trung Âu này đã có hơn 46.300 người khỏi bệnh.
Ý tưởng thực hiện việc kiểm tra thường xuyên đối với cầu thủ khi giải đấu trở lại cũng được cân nhắc, nhất là từ bộ phận y tế khi phải xem xét năng lực tổ chức việc xét nghiệm ở quy mô không nhỏ trong tình hình chung của xã hội còn phức tạp.
Từ đầu tuần này, gần như tất cả 36 CLB thuộc hai hạng đấu cao nhất nước Đức đều đã tập luyện trở lại trong điều kiện tuân thủ tối đa các quy định về giãn cách xã hội. Các cầu thủ tập luyện cùng nhau theo từng nhóm nhỏ, cấm tuyệt đối những pha tranh chấp hay vào bóng để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Liên đoàn bóng đá Italy (FIGC) cũng chuẩn bị thực hiện giải pháp gần tương tự. Với ý kiến từ những người đứng đầu 20 câu lạc bộ đang thi đấu ở Serie A, 12 vòng còn lại sẽ được diễn ra trong vòng 45 ngày để mùa giải kết thúc trọn vẹn nhằm tìm ra đội vô địch và các đội xuống hạng.
Điều đặc biệt, toàn bộ các đội bóng cầu thủ và nhân viên của 20 CLB sẽ phải di chuyển tới Rome để thi đấu tập trung ở khoảng thời gian trên. Các buổi tập và các trận đấu sẽ được chơi trong các sân có sẵn tại Roma với các biện pháp an toàn là không có góp mặt của các cổ động viên.
"Bóng đá không còn như trước khi không có người hâm mộ trên sân. Nhưng giờ này, chơi bóng không có người hâm mộ cổ vũ trực tiếp chắc chắn là lựa chọn tốt hơn. Thà đưa bóng đá trở lại truyền hình còn hơn là không có gì" - Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin.
Còn với giải đấu được chú ý nhất là Ngoại hạng Anh, Ban tổ chức dự định để 20 đội thi đấu theo kiểu "cách ly tập trung" tại các SVĐ thuộc thủ đô London và miền trung nước Anh. Tất cả các trận đấu sẽ diễn ra trong tình trạng không khán giả vào giữa tháng 5.
Liên đoàn bóng đá Anh cũng tính đến phương án tổ chức 92 trận đấu còn lại bên ngoài biên giới nước này, đấu tập trung tại một hòn đảo tư nhân được thuê hoặc thậm chí, chuyển đến Trung Quốc thi đấu do quốc gia này đã kiểm soát được dịch bệnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Anh (FA) Greg Clarke không tránh được lo ngại: "Không ai biết việc đình chỉ sẽ kéo dài bao lâu và các biện pháp cách ly xã hội nào sẽ tồn tại ngay cả khi tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 hàng ngày giảm xuống. Chính phủ cũng đang vô cùng thận trọng vì cuộc sống của con người đang bị đe dọa.
Chúng tôi sẽ cố gắng để kết thúc mùa bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bóng đá không phải là ưu tiên số 1 lúc này. Cuộc sống của con người mới là quan trọng và Chính phủ đang bảo vệ điều đó”.
Trong khi đó giải vô địch Tây Ban Nha (La Liga) khó trở lại trước cuối tháng 7, Ligue I (Pháp) vẫn "im hơi lặng tiếng", không có bất cứ cuộc thảo luận nào được đề cập thời điểm này.
Bóng đá bản chất là cuộc chơi sòng phẳng mà ở đó kẻ thắng, người thua được phân định rõ ràng. Thế nhưng chưa bao giờ, bóng đá lại đối mặt với tương lai bất định như thời điểm này. Chắc chắn vẫn còn vô số vấn đề cần được giải quyết, đòi hòi một thời gian dài để có thể tìm ra hướng đi. Sẽ không có phương án cuối cùng và hoàn hảo nhất được đưa ra, bởi còn quá nhiều thứ không chắc chắn làm trở ngại. Và thứ không chắc chắn nhất lúc này là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành.
Nhằm kết thúc mùa giải 2020 trọn vẹn, UEFA đã buộc phải dời Euro 2020 thêm 1 năm để mở ra hướng đi và mốc thời gian để các quốc gia thành viên thu xếp giải đấu của họ, đồng thời nhằm dôi thêm thời gian cho 2 Cup châu Âu là Champions League và Europa League tiếp tục diễn ra.
Phương án để 2 giải Cup này tiếp tục thi đấu gần như là bắt buộc. Một số đề xuất hướng đến việc rút ngắn các trận đấu từ vòng tứ kết trở đi, thay vì đá 2 lượt trận thì chỉ còn 1 và địa điểm diễn ra sẽ được tính đến với phương châm di chuyển ít phức tạp nhất có thể.
Thậm chí, một phương án tổ chức một giải đấu mini tại 2 địa điểm diễn ra trận chung kết là Istanbul (với Champions League) và Gdansk (với Europa League) cũng được xem xét đến.