Cứ mỗi mùa World Cup, người hâm mộ lại được nghe những nhận định “đóng đinh” về chuyên môn như Brazil chơi kỹ thuật, Anh thi đấu tốc độ, Italy thích phòng ngự… Trong số đó, không ít ngộ nhận về lối chơi của các đội tuyển không đúng với thực tế, hoặc đơn giản là cách thi đấu của họ đã thay đổi trong thời gian qua. Dưới đây là 5 cách hiểu sai vẫn thường được xướng tên trước mỗi kỳ World Cup:
1. Hà Lan vẫn tôn thờ bóng đá tổng lực
"Cơn lốc màu Da cam" không qua nổi vòng loại để đến với nước Nga lần này, nhưng họ là khách quen của giải đấu trong quá khứ. Cứ mỗi độ vòng chung kết World Cup đến, người ta lại nhắc đến phong cách bóng đá tổng lực của quốc gia này, vốn làm kinh ngạc thế giới trong những năm 1970. Nhưng thất bại của Hà Lan tại hai kỳ World Cup liên tiếp (1974 và 1978) đã chứng minh lối chơi này không còn đáng được áp dụng cho tương lai.
Ở phong cách này, ngoại trừ thủ môn, mỗi thành viên đội bóng trên sân đều có thể chơi ở vị trí của đồng đội. Một hậu vệ sẵn sàng tấn công, và một tiền đạo trở thành tiền vệ phòng ngự trong nháy mắt. Để thực hiện điều đó, người Hà Lan luôn gây sức ép cao bằng số đông với cầu thủ cầm bóng đối phương. Một cầu thủ rời vị trí sẽ được đồng đội khác trám vào.
Tuy nhiên bóng đá thế giới đã thay đổi. Khi người châu Âu biết cách phòng thủ khu vực, biết cách phản công nhanh, và các cầu thủ trở thành chuyên gia thay vì đa năng, bóng đá tổng lực chìm nghỉm.
Trong lịch sử, Hà Lan của EURO 1988 là đội tuyển Hà Lan gần nhất với lối chơi này, với những đường chuyền ngắn liên tục để kiểm soát bóng. Tây Ban Nha của World Cup 2010 là ví dụ tương tự. Nhưng chúng chỉ là một phong cách khởi nguồn từ triết lý tổng lực, chứ không phải bóng đá tổng lực Hà Lan.
Trên thực tế, Hà Lan thành công nhất trong những năm gần đây là tại Nam Phi 2010 với chức Á quân, nơi họ trình diễn lối chơi khô khan, ít chủ động và cứng rắn hơn rất nhiều. Hai lần vào bán kết các năm 1998 và 2014 đều được nhớ đến bởi sự thực dụng, bóng dài, bóng bổng, và phản công.
2. Brazil luôn chơi đẹp mắt Các cầu thủ đội tuyển Brazil. Ảnh: EDaily Sport/TTXVN |
Hai lần gần nhất Brazil vô địch thế giới vào các năm 1994 và 2002 đều được nhớ đến vì lối chơi châu Âu ít hoa mỹ. Những người yêu bóng đá đẹp cổ điển chắc chắn đã để lại cảm xúc ở Tây Ban Nha 1982, nơi lần cuối cùng Brazil còn trung thành với “bóng đá sexy”.
Năm đó, thất bại cay đắng của Selecao trước các thiên tài phòng thủ của Italy đã cho thế giới thấy bóng đá tấn công đẹp mắt không phải là cách giành danh hiệu. Trong suốt một thập kỷ, rất nhiều đội tuyển học hỏi kinh nghiệm phòng ngự của Italy, thậm chí có cả Argentina đầy kỹ thuật, láng giềng của Brazil.
Sự nổi lên của những tiền vệ trung tâm sức mạnh, ưa va chạm và biết phá lối chơi của đối phương như Dunga (1994) và Gilberto Silva (2002) khiến Brazil trở nên thực dụng hơn. Đặc biệt, Dunga sau này đã hai lần làm huấn luyện viên trưởng của tuyển Brazil và xây dựng lối chơi thiếu sáng tạo, nặng về hiệu quả cho đội bóng vàng xanh.
Từ những năm 1990, nhiều cầu thủ và huấn luyện viên Brazil sang châu Âu làm việc hơn. Nếu tư duy bóng đá của họ gần gũi với nhiều đội bóng châu Âu, thì đó cũng là điều dễ hiểu. Như người ta vẫn nói, Brazil nhiều năm nay đẹp mắt ở từng cá nhân đầy kỹ thuật, chứ không phải đẹp mắt trong cả một tập thể.
3. Các đội bóng châu Phi đều thi đấu “hoang dã” Đã có những tranh luận về sự định kiến ở châu Âu, khi các bình luận viên nhiều năm gọi những đội tuyển thuộc châu Phi là “hoang dã”. Rất nhiều người nói rằng giới bình luận tin người châu Phi luôn chỉ mạnh về sức khỏe mà thiếu tư duy, vì thế họ chơi bóng không cần kỷ luật. Nhưng ở kỳ World Cup nào cũng có tới non nửa số đội không giữ được kỷ luật thi đấu trên sân, và rất nhiều trong số đó đến từ châu Âu hay Nam Mỹ.
Nhận định “hoang dã” chỉ đúng với một vài đại diện của "Lục địa Đen" từng góp mặt ở World Cup, và chính xác hơn nữa là nói đến các đội bóng Tây Phi. Nigeria, Cameroon, Ghana và sau này là Côte D’Ivoire đều tới Cúp bóng đá thế giới bằng lối đá giàu thể lực, thích va chạm và ưa phạm lỗi. Khoa học thể thao cũng chứng minh người Tây Phi có thể trạng to lớn hơn các vùng khác của châu Phi, dẫn đến sức mạnh vượt trội. Tuy nhiên, không vì thế mà lúc nào họ cũng lấy sức mạnh hay tốc độ làm điểm nhấn.
Nigeria thời giữa những năm 1990 đã có nhiều ngôi sao mang lối đá mềm mại, như Nwanko Kanu và Jay-Jay Okocha. Côte D’Ivoire của những năm 2010, khi họ vươn lên hàng đầu châu lục, đã thi đấu đầy chiến thuật, lấy cảm hứng từ kỷ luật kiểu Italy.
Cuối cùng, những đội bóng Bắc Phi tạo ấn tượng gần đây đều không phải các tập thể mạnh về sức mà hầu hết đều có lối chơi thông minh và tính toán. Algeria gây khó dễ cho Đức ở World Cup 2014 là một điển hình. Trước đó phải kể đến “khách quen” Maroc của năm 1998. Ngoài ra, Ai Cập đã lọt qua vòng loại World Cup 2018 bằng một phong cách phòng ngự, phản công cực kỳ khoa học.
4. Bồ Đào Nha có cách chơi “Brazil của châu Âu” Bồ Đào Nha có nhiều cầu thủ mang kỹ thuật cá nhân điêu luyện như người Brazil. Chấm hết.
Quay lại lịch sử, Bồ Đào Nha từng có những năm 1960 đẹp mắt với "Báo Đen" Eusebio. Sau này, đội tuyển từ Bán đảo Iberia có một thời gian ngắn, từ EURO 2000 đến EURO 2004, thể hiện lối bóng đá tấn công vũ bão. Họ sở hữu cả những người kỹ thuật, như Luis Figo, và tốc độ, như Nuno Gomes, mà ngay cả người Brazil cũng thèm muốn.
Nhưng những giải đấu sau này đều chứng kiến các đội tuyển Bồ Đào Nha không có nhiều đặc điểm chuyên môn rõ ràng về tập thể. Nhiều đời huấn luyện viên đã khiến Cristiano Ronaldo và các đồng đội phải thi đấu với phong cách vô hồn và bệ rạc. Chẳng lạ gì khi họ bị loại sớm ở các kỳ World Cup mà không được ai nhớ đến.
Đương kim huấn luyện viên Fernando Santos từng tuyên bố ông không tin bóng đá đẹp có hiệu quả. Ông hài lòng với lối chơi “xù xì” miễn là chiến thắng. Ông từng khiến Ronaldo phải lùi sâu hơn về giữa sân để tạo không gian cho đồng đội, đồng nghĩa với lấy đi của siêu sao này cơ hội thể hiện tốc độ và những pha dắt bóng điêu luyện. Ông mong chờ những pha bóng chết để đưa bóng tới cái đầu của Ronaldo. Chức vô địch EURO 2016 bằng lối chơi nhàm chán là minh chứng cho lời nói của Santos.
Có khả năng, Bồ Đào Nha và Brazil được đem ra so sánh với nhau chỉ vì họ cùng nói chung một ngôn ngữ.
5. Có tồn tại một thứ gọi là “bóng đá Latinh” Cầu thủ Lionel Messi trong trận giao hữu giữa Argentina và Haiti tại Buenos Aires (Argentina) ngày 29/5. Ảnh: EPA/TTXVN |
Sẽ là một ngộ nhận tai hại khi cho rằng Argentina có chút tương đồng với Uruguay, hoặc Mexico gợi nhớ tới Brazil.
Nếu một châu Âu nhỏ bé đã có quá nhiều cách chơi bóng khác nhau, thì khu vực Trung và Nam Mỹ rộng lớn cũng không thể khác. Hai “ông kẹ” Brazil và Argentina thường được nhớ đến với nhiều giai đoạn thi đấu đẹp mắt, hoặc ít nhất sở hữu những con người kỹ thuật siêu đẳng. Nhưng Paraguay, Uruguay hay Bolivia đã gây dựng tiếng tăm là những đội tuyển chơi rắn, đôi lúc “chém đinh chặt sắt”.
Ngay cả nhiều đội tuyển có “máu mặt” trong khu vực cũng thay đổi cách triển khai trong một thời gian ngắn. Sau hai kỳ World Cup vắng mặt, Chile tiến đến Nam Phi 2010 với lối đá tấn công và gây sức ép từ xa, khác hẳn với thói quen phòng ngự trước đó.
Việc Argentina những năm gần đây có đá đẹp hay không dựa vào độ sáng tạo thất thường của hàng tiền vệ. Thậm chí với nòng cốt là một tuyển U23 từng vô địch Olympic 2012 với thứ bóng đá đẹp, Mexico của năm 2018 là một đội tuyển khô cứng.
Có thời điểm, giới bình luận cho rằng “bóng đá Latinh” là bóng đá gợi cảm. Những Brazil của World Cup 1970 và Argentina của World Cup 1978 là bằng chứng cho ý kiến đó. Vậy nhưng nếu hiểu đúng thuật ngữ Latinh còn là về các dân tộc châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hẳn người ta còn biết đến một “bóng đá Latinh” chẳng mấy vừa mắt.
Lý do duy nhất dẫn đến nhầm tưởng này, có lẽ, là các nước Trung/Nam Mỹ có văn hóa và ngôn ngữ gần gũi nhau.