Chỉ vài phút sau khi trận đấu với Tây Ban Nha kết thúc (ngày 25/6), tiền vệ Nordin Amrabat của đội tuyển Maroc đã bày tỏ những suy nghĩ của mình về những sai lầm của VAR. Theo anh, bàn thắng san bằng tỷ số 2 - 2 của Tây Ban Nha ở cuối trận (Aspas, phút 90+1) đã được công nhận nhờ công nghệ VAR nhưng góc máy quay để xác định tình huống này dường như không được tốt.
Trước đó, sau thất bại 0 - 1 của Maroc trước các nhà đương kim vô địch châu Âu - Bồ Đào Nha, HLV Hervé Renard của “những chú sư tử Atlas” khẳng định cầu thủ của ông đã bị phạm lỗi trước khi Ronaldo ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Trong tình huống mang tính bước ngoặt này, các trọng tài lại không sử dụng VAR để đưa ra quyết định chính xác hơn. Đáng buồn thay, bàn thắng này đã chính thức chấm dứt cơ hội đi đến vòng đấu loại trực tiếp của Maroc.
Trong khi đó, Ai Cập đã phản ứng một cách gay gắt hơn, khi nộp đơn khiếu nại lên Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) sau trận thua 1 - 3 trước đội chủ nhà Nga (ngày 19/6). Đội tuyển Ai Cập cho rằng trọng tài Caceres đã không sử dụng VAR trong 2 tình huống quan trọng.
Và chắc hẳn Senegal đã có thể đi đến vòng tiếp theo của World Cup 2018 nếu như họ được hưởng quả phạt đền sau khi hậu vệ Colombia phạm lỗi với Sadio Mane trong trận diễn ra ngày 28/6. Trọng tài ban đầu đã xác định Senegal được hưởng quả 11m, nhưng sau khi sử dụng VAR đã hủy bỏ quyết định của mình (lần đầu tiên trong lịch sử). Hành động gây tranh cãi này khiến thất bại 0 - 1 của Senegal trước Colombia thêm nặng nề.
Các cổ động viên châu Phi đã phải thốt lên rằng “nhờ” có VAR, sau 36 năm, bóng đá lục địa Đen mới vắng mặt ở vòng loại trực tiếp của World Cup. Chắc chắn rằng từ nay đến kết thúc giải đấu, VAR sẽ vẫn là trọng tâm của rất nhiều chỉ trích.
Dường như sự công bằng luôn “bỏ rơi” các cầu thủ châu Phi tại các kỳ World Cup. Trước khi công nghệ VAR ra đời, các đội bóng của lục địa Đen đã nhiều lần trở thành “nạn nhân” từ các quyết định sai lầm và gây tranh cãi của trọng tài. Hãy cùng điểm qua một số trận đấu như vậy.
World Cup 1982 tại Tây Ban Nha: Vòng đấu bảng, Cameroon - Peru (0 - 0)
"Những chú sư tử bất khuất" Cameroon có trận đấu đầu tiên của mình tại một vòng chung kết World Cup trước Peru (tại La Coruna). Trước khi hiệp 1 kết thúc, các cầu thủ Cameroon tin rằng họ đã mở được tỷ số, khi Roger Milla phối hợp với Mbom rồi đánh bại Quiroga - thủ thành của đội bóng Nam Mỹ. Thế nhưng, trọng tài người Áo Woehrer đã không công nhận bàn thắng của Milla vì cho rằng cầu thủ này đã việt vị. Những hình ảnh quay chậm sau đó cho thấy vẫn còn 2 cầu thủ Peru vẫn đứng dưới Mila. Nếu giành chiến thắng trong trận đấu kể trên, Cameroon sẽ giành vé vào vòng đấu tiếp theo, chứ không phải Italia - đội bóng sau đó đã lên ngôi vô địch.
World Cup 1998 tại Pháp: Vòng đấu bảng, Cameroon - Chile (1 - 1)
Mười sáu năm sau World Cup 1982, Cameroon lại phải chịu một sự bất công mới. Trận đối đầu tại Nantes ngày 23/6/1998 sẽ quyết định Cameroon hay Chile sẽ giành quyền đi tiếp vào vòng 16 đội. Sau khi bị Chile ghi bàn mở tỷ số, Patrick Mboma đã thiết lập lại thế cân bằng cho đội bóng châu Phi. Vài phút sau đó, sau pha phối hợp giữa Joseph-Désiré Job và François Omam-Biyik, bóng đã đến chân Mboma và cầu thủ này đã thêm một lần đưa bóng vào lưới Chile. Tuy nhiên, bàn thắng đó đã không được công nhận vì trọng tài người Hungary Vagner cho rằng Mboma đã phạm lỗi với cầu thủ Fuentes của Chile. Tuy nhiên, trên thực tế, không có bất cứ lỗi nào cả. Và nếu có bàn thắng đó, Cameroon sẽ là đội bóng giành quyền đi tiếp.
World Cup 2006 tại Đức: Vòng đấu bảng, Hà Lan - Côte d’Ivoire (2 - 1)
Côte d’Ivoire đã chịu thất bại 1 - 2 trong trận đấu đầu tiên trước Argentia bốn ngày trước đó. Buộc phải chiến thắng nếu như muốn giành vé đi tiếp, những chú voi rừng đã bị từ chối một quả 11m sau pha phạm lỗi rõ ràng của Van Bronckhorts với Emmanuel Eboue. Tuy nhiên, ông trọng tài người Colombia, Ruiz đã không cho rằng đó là một tình huống phạm lỗi. Ngay cả Chủ tịch FIFA khi đó là Sepp Blatter cũng phải thốt lên rằng “trọng tài đã đánh cắp một quả penalty của Côte d’Ivoire”. Đội bóng châu Phi cuối cùng đã phải nhận trận thua với tỷ số 1 - 2, trong khi một trận hoà sẽ giúp họ có thêm cơ hội để tiến vào vòng đấu tiếp theo. Thất bại này khiến chiến thắng 3 - 2 của Côte d’Ivoire trước Serbia-Montenegro ở loạt trận cuối cùng chỉ còn mang tính danh dự.
World Cup 2010 tại Nam Phi: Vòng đấu bảng, Brazil - Côte d'Ivoire (3 - 1)
Sau khi dẫn trước 1 - 0 ở hiệp đấu đầu tiên, Brazil đã có được bàn thắng thứ hai sau sai lầm lớn của trọng tài người Pháp Stéphane Lannoy. Thật vậy, Luis Fabiano đã dùng tay phải để khống chế trái bóng ở trên không, cho phép cầu thủ này loại bỏ sự truy cản của Kolo Toure và đánh lừa thủ thành Copa Barry sau đó để ghi bàn. Trọng tài Copa Barry đã không quan sát được tình huống đó và công nhận bàn thắng của Fabiano. Tiếp đó, Brazil ghi thêm một bàn trước khi Didier Drogba có được bàn thắng danh dự cho Côte d'Ivoire. Nếu không có bàn thắng của Fabiano, "những chú voi rừng" có thể đã có được bàn thắng gỡ hoà cũng như có cơ hội để tiến vào vòng 1/8.