Messi, thiên tài số 1 của bóng đá thế giới hiện đại cũng không dễ ghi bàn ở World Cup. Ảnh: AP |
Nếu may mắn, một tiền đạo vô danh như Oleg Salenko của Nga cũng có thể trở thành "Vua phá lưới" ở giải đấu lớn nhất hành tinh vào năm 1994 tại nước Mỹ. Và nếu không phải là một ngôi sao xuất chúng như Ronaldo "béo", người giành giải thưởng Chiếc giày Vàng World Cup 2002, thì ít nhất, cũng cần giống như Thomas Mueller được chơi bóng trong một tập thể xuất sắc là Đức để có được danh hiệu này vào năm 2010.
Chúng ta sẽ nói đến Cristiano Ronaldo là chân sút vĩ đại nhất lịch sử Champions League với 120 bàn thắng. Người ta sẽ không thể tìm ra ai xuất sắc hơn anh ở giải đấu này thời điểm hiện tại. Ở phía bên kia, Lionel Messi, thiên tài số 1 của bóng đá thế giới hiện đại, đã từng lập kỉ lục ghi 91 bàn thắng trong năm 2012 với Barcelona.
Nhưng bạn có tưởng tượng được rằng World Cup lại trở thành điều bí ẩn với hai ngôi sao của bóng đá đương đại, một vùng đất chưa bao giờ được khai phá, và ở khía cạnh nào đó, lại trở thành điều đáng nguyền rủa với cả hai người này.
Họ đã cùng nhau song hành thống trị bóng đá ở khía cạnh cá nhân suốt 10 năm qua, cạnh tranh nhau từng Ballon d'Or sau mỗi mùa giải với Barcelona và Real Madrid. Nhưng ở đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới, sự so sánh này sẽ trở thành đề tài châm biếm cho phần còn lại. Cristiano Ronaldo, người tự nhận mình là vĩ đại nhất lịch sử, ghi được vỏn vẹn 3 bàn thắng trong 3 kì World Cup liên tiếp, từ 2006 đến 2014. Lionel Messi, trong từng đấy thời gian, có nhiều hơn người đồng nghiệp 2 bàn. 8 bàn thắng đến từ hai ngôi sao hàng đầu thế giới thật sự sẽ gây sốc cho những người yêu bóng đá nói chung.
Con số chỉ vừa bằng đúng với số bàn thắng mà Ronaldo "béo" ghi được ở World Cup 2002, và thậm chí một tiền vệ như Wesley Sneijder cũng có thể khiến hai ngôi sao này bẽ mặt với 5 bàn thắng tại World Cup 2010. Thậm chí, Oleg Salenko còn giành giải thưởng này chỉ nhờ một trận đấu với Cameroon vào năm 1994.
Không phải cứ ghi nhiều bàn ở World Cup là một ai đó sẽ nghiễm nhiên trở thành vĩ đại. Nhưng với những cầu thủ vĩ đại, ghi bàn ở giải đấu này phải là điều tự nhiên nhất và cơ bản nhất, để chứng tỏ vai trò và giá trị của mình trước thế giới.
Có những cách lập luận để giải thích cho điều này, cả Cristiano Ronaldo và Lionel Messi đều phải chơi bóng trong những tập thể mà họ là ngôi sao cô độc, nên không bao giờ chơi được hết khả năng của mình như tại câu lạc bộ, khi mức độ cạnh tranh lớn hơn nhiều, cũng như giải đấu diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Và mặt khác, trong phần lớn những cầu thủ giành giải thưởng Chiếc giày Vàng ở các kỳ World Cup trước đây, họ đều là những cái tên bất ngờ và không được đặt cược cho danh hiệu này như Oleg Salenko, Thomas Mueller, Davo Suker, Miroslav Klose hay James Rodriguez. Trong khi, Messi và Ronaldo luôn ở vào tâm điểm của sự chú ý của mọi hệ thống phòng ngự, nên gặp khó khăn nhiều hơn.
Phần lớn những ngôi sao giành giải thưởng Chiếc giày Vàng World Cup không đến từ những đội bóng giành chức vô địch thế giới sau đó. Lịch sử giải thưởng này chỉ ghi nhận vài trường hợp hiếm hoi như Garrincha, Vava cùng giành giải thưởng khi Brazil vô địch năm 1962, Mario Kempes cùng Argentina vô địch năm 1978, Ronaldo "béo" cùng Brazil đăng quang năm 2002. Nhưng một cầu thủ được coi là vĩ đại khi anh ta dẫn dắt đội bóng của mình đến với chiếc cúp Vàng thế giới, mà không cần đến danh hiệu Vua phá lưới World Cup, để chứng tỏ giá trị và vai trò thủ lĩnh của mình.
Diego Maradona, chưa bao giờ trong đời mình có được giải thưởng này, nhưng là một trong hai cầu thủ xuất sắc nhất thế kỉ 20 (bên cạnh Pele) khi đưa Argentina giành cúp Vàng thứ 2 trong lịch sử. Zinedine Zidane cũng chỉ ghi được 5 bàn thắng trong các lần tham dự World Cup, nhưng có đến 3 lần ghi bàn trong các trận chung kết, và hai trong số đó giúp Pháp lần đầu đăng quang giải đấu này năm 1998 - đó là một huyền thoại.
Ronaldo "béo" có lẽ là cầu thủ siêu phàm của World Cup sau Diego Maradona, “Người ngoài hành tinh” không chỉ nổi bật trong đội hình toàn năng của Brazil vô địch năm 2002, mà còn chứng tỏ rằng, những gì tinh túy nhất của một Vua phá lưới World Cup đều có ở trong anh. Và cho đến bây giờ, chưa một ai có thể lặp lại được thành tích của 16 năm trước đó.
Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, không nhất định phải trở thành một tay săn bàn cự phách như Ronaldo "béo", Miroslav Klose hay James Rodriguez. Nhưng họ buộc phải là một Diego Maradona, một Zinedine Zidane khác cho Argentina và Bồ Đào Nha ở giải đấu lần này, nếu muốn trở thành cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới.