World Cup 2018: Những cầu thủ không chơi cho nơi 'chôn rau cắt rốn'

Lựa chọn thi đấu cho một đội tuyển quốc gia khác đôi khi đem lại cho các cầu thủ cơ hội được "vẫy vùng" ở các giải đấu lớn.

Trong lịch sử bóng đá, nhiều siêu sao đã không thể tham dự Vòng chung kết (VCK) World Cup vì đội tuyển quốc gia của họ không đủ năng lực vượt qua vòng loại, hoặc họ không thể cạnh tranh được một suất trong đội hình. Cựu ngôi sao Ryan Giggs là một ví dụ điển hình khi đội tuyển Xứ Wales của anh trong những năm 1990 và 2000 quá kém chất lượng.

Theo luật của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), một cầu thủ có quyền chơi cho một quốc gia khác với nơi họ có quốc tịch gốc khi: họ chưa từng thi đấu quốc tế chính thức ở cấp đội tuyển; họ sinh ra tại đó, hoặc cha/mẹ/ông/bà họ sinh ra tại đó, hoặc họ đã ở đó trong 5 năm sau khi đủ 18 tuổi.

Dưới đây là 10 cầu thủ sẽ góp mặt ở World Cup 2018, nhưng không đại diện cho đất nước nơi mình chào đời.

1. Hakim Ziyech (Maroc)

Ziyech sinh ra ở Hà Lan và đã chơi cho Oranje ở các cấp độ U19, U20 và U21. Anh được gọi lên tuyển quốc gia vào năm 2015 sau một mùa giải thành công với FC Twente. Tuy nhiên anh phải rút lui vì chấn thương và sau đó bị "ngó lơ" ở các lần tập trung tiếp theo.

Vài tháng sau, Ziyech phát hiện ra anh có thể chơi cho tuyển Maroc vì có gốc gác ở nước này. Hiện tại anh đã có 15 lần khoác áo đội tuyển ở quốc gia Bắc Phi và ghi được 8 bàn thắng.

Cho đến nay, toàn bộ sự nghiệp của tiền vệ 25 tuổi này là ở Hà Lan, nơi anh ghi được 66 bàn trong 195 trận cho Heerenveen, Twente và Ajax. Đáng chú ý, tại World Cup lần này, Hà Lan đã không vượt qua được vòng loại.

2. Gelson Martins (Bồ Đào Nha)

Tiền đạo Gelson Martins (trái) của Bồ Đào Nha trong một pha tranh bóng với hậu vệ Hector Moreno của Mexico trong trận đấu tại FIFA Confederations Cup 2017. Ảnh: EPA/TTXVN

Tiền đạo 23 tuổi của Sporting Lisbon ra đời ở đất nước châu Phi Cape Verde. Martins di cư tới Bồ Đào Nha ở tuổi niên thiếu và trưởng thành qua lò đào tạo của Sporting.

Anh đại diện cho Bồ Đào Nha ở cấp độ U18 đến U23 kể từ năm 2012 trước khi thi đấu cho tuyển quốc gia lần đầu tiên vào tháng 9/2016. Martins đã có 18 lần khoác áo tuyển Bồ Đào Nha. Khả năng ra sân chính thức của anh khá rộng mở khi huấn luyện viên Fernando Santos đã không gọi ngôi sao Nani vào đội hình tới Nga lần này.

3. Mehdi Benatia (Maroc)

Đội trưởng tuyển Maroc được sinh ra ở Pháp và khởi nghiệp tại Marseille. Dù chơi cho đội U18 Pháp một lần vào năm 2005, anh chưa từng thi đấu một trận nào ở cấp đội tuyển và chỉ một năm sau chuyển sang khoác áo đội U20 Maroc.

Anh lần đầu được chơi cho tuyển Maroc vào năm 2008 nhưng chỉ nổi danh khi đến Udinese của Italy thi đấu vào năm 2010. Sau khi rời Udinese năm 2013, Benatia khẳng định tên tuổi của mình ở Roma, Bayern Munich và Juventus cùng một số danh hiệu lớn.

Hiện đã có 53 lần ra sân cho Maroc, Benatia sẽ là một cầu thủ quan trọng của quốc gia châu Phi tại Nga.

4. Kalidou Koulibaly (Senegal)

Koulibaly đáng ra có thể chơi cho tuyển Pháp nếu như không phải vì nước này có quá nhiều tài năng. Tháng 9/2015, anh đã quyết định trở thành thành viên của tuyển Senegal, quê gốc của cha mẹ mình.

Koulibaly từng chơi 11 trận cho đội U20 của Pháp. Sau khi anh đã ra mắt tuyển Senegal, huấn luyện viên Didier Deschamps cử tuyển trạch viên tới câu lạc bộ của Koulibaly để “xem giò” nhưng rồi phát hiện ra hậu vệ này không còn đủ điều kiện chơi cho tuyển Pháp.

Koulibaly đang nổi lên là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới. Anh đang được nhiều đội bóng hàng đầu nước Anh đưa vào mục tiêu chuyển nhượng.

5. Samuel Umtiti (Pháp)

Là người Cameroon nhưng Umtiti đã tới Pháp sinh sống từ khi mới 2 tuổi. Trung vệ của Barcelona này chơi cho tất cả các lứa trẻ của Pháp và từng nằm trong thành phần đội U20 Pháp vô địch thế giới năm 2013. Anh lần đầu được gọi lên tuyển quốc gia cho EURO 2016. Umtiti ra mắt sân khấu thế giới trong trận Bán kết EURO gặp Iceland, khi anh hoàn thành tuyệt đối tất cả 77 đường chuyền của mình.

Đáng chú ý, trước đó Cameroon đã cử huyền thoại bóng đá nước này là Roger Milla cùng các thành viên liên đoàn tới thuyết phục Umtiti trở về khoác áo đội nhà nhưng không thành công.

6. Raheem Sterling (Anh)

Tiền vệ Anh Raheem Sterling trong một trận đấu tại Euro 2016. Ảnh: EPA/ TTXVN

Giống cựu ngôi sao John Barnes của Liverpool, Sterling giờ đang là người của tuyển Anh dù sinh ra ở Kingston, Jamaica. Cha của Sterling bị sát hại ở Jamaica khi anh mới 2 tuổi và tiền đạo này rời quê hương tới London 3 năm sau đó. Anh khởi đầu nghiệp chơi bóng tại Queens Park Ranger, rồi chuyển sang đội trẻ của Liverpool.

Sterling đại diện cho tuyển Anh ở cấp độ U16, U17, U19 và U21 trước khi lên tuyển vào năm 2012. Cho đến nay, nhà vô địch giải Ngoại hạng Anh đã có trận cho Tam Sư, nhưng mới ghi được 2 bàn thắng.

7. Ivan Rakitic (Croatia)

Đã lâu rồi Croatia mới lại có một hàng tiền vệ tài năng như ở World Cup 2018, và Ivan Rakitic là một hạt nhân trong số đó. Nhưng ít người biết rằng anh cũng có thể là một thành viên của tuyển Thụy Sĩ nếu chọn thi đấu cho nơi mình ra đời.
Rakitic thi đấu cho các đội trẻ của Thụy Sĩ cho tới cấp U21, nhưng rồi chọn chơi cho Croatia, quê hương của cha mẹ, trước sự bực tức của Liên đoàn bóng đá Thụy Sĩ. Rakitic thừa nhận đây là một quyết định khó khăn, nhưng anh lắng nghe lời trái tim mình vì cả gia đình anh đều là người Croatia. Tiền vệ này đã có 91 lần ra sân trong màu áo trắng đỏ và ghi 14 bàn.

8. Pepe (Bồ Đào Nha)

Pepe rời quê hương Brazil trước năm 18 tuổi để tới Bồ Đào Nha chơi cho Maritimo, nơi cho anh cơ hội thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên. Sau 4 năm, anh chuyển sang Porto và bắt đầu giành được sự chú ý.

Theo cha của Pepe, anh được Carlos Dunga liên lạc để chơi cho Brazil hồi năm 2006 nhưng từ chối vì đã nhập tịch Bồ Đào Nha. Hậu vệ này chia sẻ ở Brazil, anh không được trọng dụng nên mới chuyển sang đất nước bên kia Đại Tây Dương.
Trong suốt 10 năm qua, Pepe là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất của quốc gia trên Bán đảo Iberia, với màn trình diễn tuyệt vời tại trận chung kết EURO 2016 là ví dụ rõ nét.

9. Gonzalo Higuain (Argentina)

Sẽ ra sao nếu Higuain ra sân cho đội tuyển Pháp? Cha của anh thi đấu cho đội bóng Pháp Stade Brestois 29 khi sinh ra cậu bé Gonzalo. Tuy nhiên, anh chuyển tới Argentina khi 10 tuổi và được đào tạo tại River Plate.

Năm 2016, huấn luyện viên Raymond Domenech của Pháp đã điền tên anh vào danh sách đội tuyển, nhưng cha của Higuain nói anh chưa sẵn sàng lựa chọn quốc gia nào. Thực tế, anh cũng mới từ chối lời mời của Argentina.

Cuối cùng, Higuain đã chọn Argentina và trở thành cầu thủ thứ 3 sinh ra ở nước ngoài nhưng lại thi đấu cho đội bóng sọc xanh trắng. Với 31 bàn thắng, anh chỉ xếp sau Lionel Messi và Sergio Aguero về thành tích “phá lưới” trong đội hình hiện tại của Albiceleste.

10. Diego Costa (Tây Ban Nha)

Tiền đạo Diego Costa (phải), đội tuyển Tây Ban Nha, trong một trận đấu tại World Cup 2014. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết định chọn Tây Ban Nha thay vì Brazil là một trong những trường hợp nổi tiếng nhất của một cầu thủ đổi quốc tịch để được thi đấu quốc tế.

Diego Costa từng chơi cho tuyển Brazil trong 2 trận giao hữu vào năm 2013, nhưng vì sự nghiệp của anh phần lớn là ở Tây Ban Nha và anh cũng mang hộ chiếu nước này, Costa đã lựa chọn làm người của La Roja.

Ở thời điểm đó, Costa không chắc suất ở đội tuyển Brazil do sự hiện diện của các tiền đạo khác như Fred và Jo. Tuy thế, quyết định của anh vẫn khiến huấn luyện viên Felipe Scolari bị chỉ trích nặng nề.

Costa giờ đã có 7 bàn thắng sau 19 lần góp mặt trong thành phần các nhà cựu vô địch thế giới.

Hoài Sa (TTXVN)
WORLD CUP 2018: Thụy Sĩ - Thế lực thật sự hay chỉ là 'hổ giấy'?
WORLD CUP 2018: Thụy Sĩ - Thế lực thật sự hay chỉ là 'hổ giấy'?

Tuy không được xem là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch, song Thụy Sĩ chưa bao giờ là một đối thủ dễ chịu ở khu vực châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN